Loading

11:28 - 09/11/2024

Vợ bỏ đi, làm sao để ly hôn và giành quyền nuôi con?

Cho tôi hỏi về việc ly hôn và dành quyền nuôi con trên 3 tuổi: Vợ chồng tôi cưới nhau năm 2010, đến 24/04/2011 sinh được cháu trai. Trong quá trình chung sống thì vợ chồng có nhiều quan điểm bất hòa. Lý do bất hòa là trước đó tôi làm ăn thua lỗ có nợ bên ngoài 80tr. Sau khi vợ chồng cưới nhau bố mẹ tôi họp gia đình và đưa ra biện pháp để giải quyết. Tôi đi làm lấy tiền trả nợ, còn ông bà nội sẽ có trách nhiệm nuôi vợ chồng con cái đến khi nào tôi trả hết nợ thì ra ăn riêng. Được một thời gian vợ tôi lấy lý do là tôi không tôn trọng vợ, đi làm về không đưa tiền cho vợ thế là ngày 16/12/2012 vợ tôi bỏ nhà đi để lại con nhỏ cho tôi nuôi. Trong quá trình cô ấy bỏ đi không hề ngó ngàng đến con, không có trách nhiệm gì với con, mọi vấn đề nuôi con đều do một mình tôi và sự hỗ trợ của ông bà nội. Bây giờ tôi muốn ly dị và dành quyền nuôi con.

Nội dung chính

    Vợ bỏ đi, làm sao để ly hôn và giành quyền nuôi con?

    Hiện tại, bạn muốn ly hôn và giành quyền nuôi con, vợ của bạn lại bỏ nhà đi được một thời gian, nếu bạn xác định được địa chỉ hiện tại của vợ, bạn có thể nộp đơn xin ly hôn tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bạn sinh sống. Ngược lại, việc đơn phương ly hôn khi không thể cung cấp chính xác địa chỉ vợ bạn hiện đang sống, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (BLTTDS 2004), Tòa án sẽ không thụ lý. Trường hợp này, để ly hôn, bạn cần xác định những yếu tố sau:

    Thứ nhất, nếu không thể biết chính xác địa chỉ nơi vợ bạn ở, bạn thực hiện thủ tục yêu cầu Tòa án tuyên bố mất tích. Căn cứ khoản 1 Điều 78 Bộ luật Dân sự năm 2005 (BLDS 2005) “Khi một người biệt tích hai năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án có thể tuyên bố người đó mất tích. Thời hạn hai năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng”. Vì vợ của bạn bỏ nhà đi từ ngày 16/12/2012, tức là tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng của vợ chỉ mới 1 năm 5 tháng, khoảng thời gian này chưa đáp ứng điều kiện để Tòa án tuyên bố một người mất tích. Vậy, bạn đợi đến khi đủ 2 năm kể từ ngày cuối cùng biết được tin tức của vợ và nộp đơn tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bạn sinh sống (Điều 26, khoản 2 Điều 33 BLTTDS 2004) yêu cầu Tòa án tuyên bố vợ bạn mất tích. Sau khi thụ lý, tòa án sẽ ra quyết định thông báo tìm kiếm người mất tích trên báo của trung ương trong 3 số liên tiếp và đài phát thanh hoặc đài truyền hình trung ương 3 lần trong 3 ngày liên tiếp. Sau 4 tháng kể từ ngày đăng, phát thông báo đầu tiên mà vợ bạn không trở về hoặc không có tin tức báo về thì tòa án sẽ họp xét đơn yêu cầu tuyên bố công dân mất tích của bạn. 

    Căn cứ khoản 2 Điều 78 BLDS 2005 và khoản 2 Điều 89 Luật hôn nhân gia đình hiện hành, sau khi vợ bạn bị tuyên bố mất tích, bạn có thể xin ly hôn và được Tòa án giải quyết.

    Giả sử trường hợp Tòa án đang thụ lý yêu cầu tuyên bố mất tích nhưng vợ bạn quay về, lúc này thủ tục tuyên bố mất tích sẽ chấm dứt, bạn thực hiện nộp đơn yêu cầu ly hôn tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bạn cư trú ( Điều 27, Điều 33 BLTTDS 2004) và cung cấp chính xác địa chỉ nơi ở mới của vợ.

    Khi thụ lý, Tòa án tiến hành mời các bên lên lấy lời khai, hòa giải. Nếu xét thấy quan hệ hôn nhân của vợ chồng bạn không thể tiếp tục được thì Tòa sẽ đưa vụ án ra xét xử và nhiều khả năng sẽ chấp nhận yêu cầu của bạn.

    Thứ hai, về thời gian, nếu hai vợ chồng bạn thuận tình ly hôn, thủ tục này có thể được giải quyết trong thời gian 03 tháng. Trường hợp phát sinh tranh chấp về bất cứ yếu tố nào trong quan hệ hôn nhân (tài sản, quan hệ hôn nhân, nuôi con…) thời gian Tòa án thụ lý sẽ rất lâu, có thể kéo dài trên 06 tháng. Tuy nhiên, bạn cần hiểu rằng, thời gian giải quyết ở mỗi vụ việc về hôn nhân gia đình là khác nhau phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

    Thứ ba, về điều kiện nuôi con, khoản 2 Điều 92 Luật hôn nhân gia đình hiện hành quy định: “Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

    Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thỏa thuận khác”.

    Vậy, trường hợp trong quá trình Tòa án giải quyết yêu cầu ly hôn của bạn người vợ bị tuyên bố mất tích không quay về thì tất nhiên con sẽ do bạn nuôi dưỡng trực tiếp. Ngược lại, nếu vợ bạn có mặt tại Tòa án, bạn trình bày hoàn cảnh và quan trọng nhất là chứng minh được tài chính nhằm đảm bảo môi trường và điều kiện tốt nhất để con trưởng thành thì nhiều khả năng Tòa án sẽ giao con cho bạn trực tiếp nuôi dưỡng.

    saved-content
    unsaved-content
    217
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ