Bồi thường chi phí san lấp mặt hồ khi thu hồi đất vì mục đích quốc phòng an ninh như thế nào?
Nội dung chính
Chi phí san lấp mặt hồ có được bồi thường khi thu hồi đất không?
Tại khoản 35 Điều 3 Luật Đất đai 2024 thì Nhà nước thu hồi đất là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người sử dụng đất hoặc thu lại đất của người đang sử dụng đất hoặc thu lại đất đang được Nhà nước giao quản lý.
Căn cứ theo khoản 7 Điều 3 Luật Đất đai 2024 thì chi phí đầu tư vào đất còn lại là chi phí hợp lý mà người sử dụng đất đã đầu tư trực tiếp vào đất phù hợp với mục đích sử dụng đất nhưng đến thời điểm Nhà nước thu hồi đất còn chưa thu hồi hết.
Theo điểm a khoản 2 Điều 107 Luật Đất đai 2024 thì chi phí san lấp mặt bằng là một trong những chi phí đầu tư vào đất còn lại được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng an ninh, kinh tế - xã hội.
Như vậy, khi Nhà nước tiến hành thu hồi đất vì mục đích quốc phòng an ninh, kinh tế - xã hội thì chi phí san lấp mặt hồ là chi phí san lấp mặt bằng và cũng là một trong những chi phí đầu tư vào đất còn lại được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng an ninh, kinh tế - xã hội.
Bồi thường chi phí san lấp mặt hồ khi thu hồi đất ( Hình từ Internet)
Trường hợp nào được bồi thường chi phí san lấp mặt hồ khi thu hồi đất vì mục đích quốc phòng an ninh?
Theo Điều 78 Luật Đất đai 2024 thì Nhà nước tiến hành thu hồi đất vì mục đích quốc phòng an ninh trong các trường hợp sau:
- Làm nơi đóng quân, trụ sở làm việc;
- Làm căn cứ quân sự;
- Làm công trình phòng thủ quốc gia, trận địa và công trình đặc biệt về quốc phòng, an ninh;
- Làm ga, cảng, công trình thông tin quân sự, an ninh;
- Làm công trình công nghiệp, khoa học và công nghệ, văn hóa, thể thao phục vụ trực tiếp cho quốc phòng, an ninh;
- Làm kho tàng của lực lượng vũ trang nhân dân;
- Làm trường bắn, thao trường, bãi thử vũ khí, bãi hủy vũ khí;
- Làm cơ sở đào tạo, trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ, cơ sở an dưỡng, điều dưỡng, nghỉ dưỡng và phục hồi chức năng, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của lực lượng vũ trang nhân dân;
- Làm nhà ở công vụ của lực lượng vũ trang nhân dân;
- Làm cơ sở giam giữ; cơ sở tạm giam, tạm giữ; cơ sở giáo dục bắt buộc; trường giáo dưỡng và khu lao động, cải tạo, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân, trại viên, học sinh do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý.
Đồng thời theo khoản 1 Điều 107 Luật Đất đai 2024 thì các trường hợp không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí san lấp mặt hồ khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng an ninh bao gồm:
- Đất được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất, trừ trường hợp đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân được bồi thường về đất theo Điều 96 Luật Đất đai 2024
- Đất được Nhà nước giao cho tổ chức thuộc trường hợp có thu tiền sử dụng đất nhưng được miễn tiền sử dụng đất
- Đất được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất hằng năm; đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê nhưng được miễn tiền thuê đất, trừ trường hợp tại khoản 2 Điều 99 Luật Đất đai 2024
- Đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích do Ủy ban nhân dân cấp xã cho thuê
- Đất nhận khoán để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối
- Diện tích đất nông nghiệp được giao vượt hạn mức
Điều kiện và phương pháp tính chi phí san lấp mặt hồ để bồi thường như thế nào?
Căn cứ theo khoản 2 và khoản 3 Điều 17 Nghị định 88/2024/NĐ-CP thì việc xác định chi phí san lấp mặt hồ dựa trên các điều kiện sau:
- Có hồ sơ, chứng từ chứng minh đã thực hiện san lấp mặt hồ là một trong các loại giấy tờ sau:
+ Văn bản, hợp đồng thuê, khoán san lấp mặt bằng, tôn tạo đất đối với đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê, cải tạo đất, chống xói mòn, chống xâm thực, xây dựng, gia cố nền đất làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh
+ Văn bản, thanh lý hợp đồng; hóa đơn, chứng từ thanh toán đối với từng khoản chi phí đã đầu tư vào đất
+ Văn bản, hợp đồng khác có liên quan đến việc đầu tư vào đất được xác lập tại thời điểm đầu tư.
- Nếu chi phí san lấp mặt hồ không có hồ sơ, chứng từ chứng minh thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế tại địa phương quy định việc xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại.
Và tại khoản 4 Điều 17 Nghị định 88/2024/NĐ-CP thì chi phí san lấp mặt hồ được tính theo phương pháp tính chi phí đầu tư vào đất còn lại như sau:
P = [(P1 + P2 + P3 + P4) / T1] x T2
Trong đó:
P: Chi phí đầu tư vào đất còn lại
P1: Chi phí san lấp mặt bằng
P2: Chi phí cải tạo làm tăng độ màu mỡ của đất, thau chua rửa mặn, chống xói mòn, xâm thực đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp (Nếu có)
P3: Chi phí gia cố khả năng chịu lực chống rung, sụt lún đất đối với đất làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh (Nếu có)
P4: Chi phí khác có liên quan đã đầu tư vào đất phù hợp với mục đích sử dụng đất (Nếu có)
T1: Thời hạn sử dụng đất
T2: Thời hạn sử dụng đất còn lại
Nếu chỉ có mỗi chi phí san lấp mặt hồ thì công thức tính chi phí đầu tư vào đất như sau:
P = (P1 / T1) x T2
Như vậy, chi phí san lấp mặt hồ sẽ được xác định dựa trên hồ, chứng từ chứng minh đã thực hiện san lấp mặt hồ đối với trường hợp có hồ sơ chứng từ. Nếu việc san lấp mặt hồ không có hồ sơ, chứng từ thì việc xác định sẽ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế tại địa phương để quy định xác định chi phí san lấp mặt hồ đó.