Loading


Cá nhân được giao đất ở nằm trong hành lang bảo vệ an toàn giao thông phải thu hồi thì có được bồi thường không?

Cá nhân có đất ở nằm trong hành lang an toàn giao thông không phải thu hồi thì bồi thường thiệt hại khi phải chuyển mục đích sử dụng sang đất nông nghiệp như thế nào?

Nội dung chính

    Cá nhân được giao đất ở nằm trong hành lang an toàn giao thông có thể bị thu hồi đất trong trường hợp nào?

    Theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 102/2024/NĐ-CP thì đất ở là loại đất thuộc nhóm đất phi nông nghiệp, sử dụng với mục đích làm nhà ở và các mục đích khác phục vụ cho đời sống trong cùng một thửa đất, bao gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị.

    Căn cứ tại khoản 35 Điều 3 Luật Đất đai 2024 thì thu hồi đất là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người sử dụng đất hoặc thu lại đất của người đang sử dụng đất hoặc thu lại đất đang được Nhà nước giao quản lý. Đối với cá nhân được giao đất ở thì sẽ ban hành quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người sử dụng đất.

    Căn cứ theo Điều 15 Nghị định 11/2010/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 100/2013/NĐ-CP thì hành lang bảo vệ an toàn giao thông là dải đất dọc hai bên đất của đường bộ nhằm bảo đảm an toàn giao thông và bảo vệ công trình đường bộ.

    Như vậy, đất ở nằm trong hành lang an toàn giao thông là phần diện tích đất ở trùng với phần dải đất dọc hai bên đất của đường bộ. 

    Đồng thời, căn cứ theo khoản 1 Điều 79 Luật Đất đai 2024 thì thì Nhà nước được thu hồi đất để xây dựng hành lang bảo vệ an toàn công trình giao thông (thu hồi đất để lưu không). Như vậy, cá nhân được giao đất ở nhưng đất này nằm trong hành lang an toàn giao thông cần thiết phải thu hồi để xây dựng công trình giao thông thì Nhà nước có quyền thu hồi diện tích đất ở này.

    Cá nhân được giao đất ở nằm trong hành lang bảo vệ an toàn giao thông phải thu hồi thì có được bồi thường không?

    Cá nhân được giao đất ở nằm trong hành lang bảo vệ an toàn giao thông phải thu hồi thì có được bồi thường không?(Hình Internet)

    Điều kiện bồi thường đối với đất ở được giao cho cá nhân khi thu hồi để xây dựng hành lang an toàn đường bộ là gì?

    Căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 95 Luật Đất đai 2024 thì cá nhân đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hằng năm sẽ là đối tượng được bồi thường về đất khi bị Nhà nước thu hồi đất. 

    Như vậy, cá nhân được Nhà nước giao đất ở, nhưng bị thu hồi đất để xây dựng hành lang bảo vệ an toàn đường bộ thì sẽ được bồi thường về đất.

    Đồng thời, tại khoản 2 Điều 95 Luật Đất đai 2024 thì cá nhân sử dụng đất bị thu hồi đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn cần có một trong các giấy tờ sau để được bồi thường:

    + Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;

    + Có quyết định giao đất hoặc quyết định cho thuê đất hoặc quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

    + Có một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất làm căn cứ để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;

    Như vậy, khi cá nhân sử dụng đất ở thuộc hành lang bảo vệ an toàn giao thông mà phải thu hồi thì sẽ được bồi thường khi đáp ứng các điều kiện nêu trên.

    Ngoài ra, căn cứ theo khoản 1 Điều 98 và Điều 106 Luật Đất đai 2024 thì cá nhân sử dụng đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn giao thông sẽ được bồi thường bằng đất ở hoặc bằng nhà ở hoặc bằng tiền hoặc bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi. Nếu không thu hồi đất nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn giao thông thì người sử dụng đất được bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất.

    Cá nhân có đất ở nằm trong hành lang an toàn giao thông không phải thu hồi thì bồi thường thiệt hại khi phải chuyển mục đích sử dụng sang đất nông nghiệp như thế nào?

    Căn cứ theo Điều 106 Luật Đất đai 2024 thì cá nhân có đất ở nằm trong hành lang an toàn giao thông không phải thu hồi sẽ được bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền với đất.

    Theo đó, tại điểm a khoản 1 Điều 18 Nghị định 88/2024/NĐ-CP thì cá nhân sử dụng đất ở nằm trong hành lang an toàn giao thông không phải thu hồi sẽ được bồi thường thiệt hại, đối với trường hợp làm thay đổi mục đích sử dụng đất từ đất ở sang đất nông nghiệp thì mức bồi thường thiệt hại được xác định theo công thức sau:

    Tbt = (G1 - G2) x S

    Trong đó:

    + Tbt: Tiền bồi thường

    + G1: Giá tiền đất ở tính trên mét vuông (đ/m2)

    + G2: Giá tiền đất nông nghiệp trên mét vuông (đ/m2)

    + S: Diện tích đất bị thay đổi mục đích sử dụng đất.

    Ví dụ, thửa đất ở của ông A có phần diện tích thuộc hành lang an toàn giao thông là 50m2 và không phải thu hồi nhưng phải chuyển mục đích sang đất trồng cây hằng năm (là đất nông nghiệp). Giá đất ở xác định tại vị trí đất của ông A là 3 triệu đồng/m2 còn đất trồng cây hằng năm là 300 nghìn đồng/m2. Khi đó tiền bồi thường sẽ được tính như sau:

    Tbt = (G1 - G2) x S = (3000000 - 300000) x 50 = 135 triệu (đồng)

    Như vậy, cá nhân được giao đất ở nằm trong hành lang an toàn giao thông phải thu hồi thì được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở hoặc bằng tiền hoặc đất khác. Còn không thu hồi và phải chuyển mục đích sử dụng đất sang đất nông nghiệp thì sẽ bồi thường theo chênh lệch giá giữa đất ở và đất nông nghiệp đối với phần diện tích phải chuyển mục đích sử dụng đất.

    saved-content
    unsaved-content
    68