Cá nhân thuê đất suối do nhà nước quản lý để mở dịch vụ vui chơi giải trí có được không?
Nội dung chính
Cá nhân thuê đất suối do nhà nước quản lý để mở dịch vụ vui chơi giải trí có được không?
Căn cứ theo khoản 32 Điều 3 Luật Đất đai 2024 thì Nhà nước cho thuê đất được định nghĩa là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định cho thuê đất cho đối tượng có nhu cầu sử dụng đất. Trong trường hợp cá nhân thuê đất suối để mở dịch vụ vui chơi giải trí thì sẽ là mục đích thương mại, dịch vụ.
Theo điểm b khoản 2 Điều 215 Luật Đất đai 2024 và khoản 2 Điều 49 Luật Tài nguyên nước 2023 thì cá nhân muốn sử dụng đất suối để thực hiện việc mở dịch vụ vui chơi giải trí thì sẽ được Nhà nước cho thuê đất trả tiền hằng năm. Ngoài ra, khi sử dụng mặt nước suối để hoạt động dịch vụ thì phải bảo đảm không gây ô nhiễm nguồn nước, cản trở dòng chảy, hư hại suối, ảnh hưởng đến các hoạt động khai thác, sử dụng nước khác.
Như vậy, cá nhân khi muốn sử dụng đất suối để mở dịch vụ vui chơi giải trí thì sẽ được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm để hoạt động dịch vụ. Trong quá trình sử dụng phải đảm bảo các điều kiện về nguồn nước, dòng chảy, tránh làm hư hại cấu trúc suối và ảnh hưởng đến các hoạt động khác.
Cá nhân thuê đất suối để mở dịch vụ vui chơi giải trí có được không?(Hình Internet)
Người thuê đất suối do Nhà nước quản lý cần đáp ứng nguyên tắc nào?
Căn cứ theo điểm i khoản 3 Điều 9 và khoản 2 Điều 215 Luật Đất đai 2024 thì đất suối là loại đất thuộc nhóm đất phi nông nghiệp và đất này đã được xác định mục đích sử dụng.
Theo đó, căn cứ Điều 5 Luật Đất đai 2024 thì khi sử dụng đất suối, người sử dụng đất phải đáp ứng các điều kiện như sau:
+ Sử dụng đúng mục đích sử dụng đất.
+ Sử dụng bền vững, tiết kiệm, có hiệu quả đối với đất đai và tài nguyên trên bề mặt, trong lòng đất.
+ Sử dụng kết hợp bảo vệ đất, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, không được lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học làm ô nhiễm, thoái hóa đất.
+ Thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất trong thời hạn sử dụng đất; không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất liền kề và xung quanh.
Như vậy, người sử dụng đất khi sử dụng đất suối cần tuân thủ các nguyên tắc như trên. Ngoài ra, người sử dụng đất suối cũng được hưởng các quyền chung của người sử dụng đất.
Căn cứ theo khoản 2 Điều 37 Luật Đất đai 2024 thì người sử dụng đất suối sẽ có các quyền chung của người sử dụng đất như được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, được hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất sử dụng hợp pháp, được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai,... đồng thời cũng có các nghĩa vụ như sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định của pháp luật, tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường…
Tính tiền thuê đất suối do Nhà nước quản lý để làm dịch vụ vui chơi giải trí như thế nào?
Căn cứ theo điểm b khoản 2 Điều 215 Luật Đất đai 2024 và khoản 2 Điều 49 Luật Tài nguyên nước 2023 thì cá nhân muốn sử dụng đất suối để thực hiện việc mở dịch vụ vui chơi giải trí thì sẽ được nhà nước cho thuê đất trả tiền hằng năm. Vì vậy, khi tính tiền thuê đất suối để làm dịch vụ vui chơi giải trí sẽ được tính theo phương pháp tính tiền thuê đất hằng năm.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 30 Nghị định 103/2024/NĐ-CP thì khi người sử dụng đất muốn thuê đất trả tiền hằng năm thì tiền thuê đất được tính như sau:
Tiền thuê đất một năm = Diện tích tính tiền thuê đất * Đơn giá thuê đất hằng năm
Trong đó:
- Diện tích tính tiền thuê đất là diện tích đất có thu tiền thuê đất ghi trên quyết định cho thuê đất, được tính trên đơn vị là m2.
- Đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước sẽ được chia ra là đơn giá thuê đất đối với phần diện tích có mặt nước và phần diện tích không có mặt nước.
Căn cứ theo khoản 1, khoản 2 Điều 28 Nghị định 103/2024/NĐ-CP thì việc tính đơn giá thuê đất đối với phần diện tích có mặt nước và phần diện tích không có mặt nước như sau:
+ Đối với diện tích không có mặt nước:
Đơn giá thuê đất hằng năm = Tỷ lệ phần trăm (%) tính đơn giá thuê đất x Giá đất tính tiền thuê đất.
Trong đó: Tỷ lệ phần trăm được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định trong mức từ 0.25% đến 3%. Giá đất tính tiền thuê đất là giá đất trong Bảng giá đất.
+ Đối với diện tích có mặt nước: Đơn giá thuê đất đối với diện tích có mặt nước không thấp hơn 20% đơn giá thuê đất hằng năm của loại đất có vị trí liền kề với giả định có cùng mục đích sử dụng đất và thời hạn sử dụng đất với phần diện tích đất có mặt nước.