Cảnh sát giao thông phải công tác trong lực lượng từ 06 tháng trở lên mới được giải quyết tai nạn giao thông đường bộ?
Nội dung chính
Cảnh sát giao thông phải công tác trong lực lượng từ 06 tháng trở lên mới được giải quyết tai nạn giao thông đường bộ?
Ngày 13/11/2024, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Thông tư 72/2024/TT-BCA về việc Quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông.
Trong đó, khoản 1 Điều 3 Thông tư 72/2024/TT-BCA quy định về tiêu chuẩn của cán bộ Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ điều tra, xác minh, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ như sau:
Tiêu chuẩn của cán bộ Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ điều tra, xác minh, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ và phân công cán bộ điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông đường bộ
1. Tiêu chuẩn của cán bộ Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ điều tra, xác minh, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ
a) Có trình độ đại học An ninh, đại học Cảnh sát hoặc cử nhân luật trở lên. Trường hợp tốt nghiệp đại học các trường ngoài ngành Công an đã được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ An ninh, Cảnh sát theo quy định;
b) Có thời gian công tác trong lực lượng Cảnh sát giao thông từ 06 tháng trở lên;
c) Đã được công nhận hoàn thành tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ;
d) Cán bộ Cảnh sát giao thông đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại các điểm a, b và c Khoản này là cán bộ thụ lý chính;
đ) Cán bộ Cảnh sát giao thông chưa đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại điểm a Khoản này nhưng đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại các điểm b, c Khoản này là cán bộ hỗ trợ.
...
Căn cứ quy định trên, tiêu chí "Có thời gian công tác trong lực lượng Cảnh sát giao thông từ 06 tháng trở lên" là áp dụng cho cán bộ thụ lý chính. Như vậy, Cảnh sác giao thông nếu chưa đáp ứng được tiêu chí này vẫn có thể làm nhiệm vụ điều tra, xác minh, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ với vai trò là cán bộ hỗ trợ.
Cảnh sát giao thông phải công tác trong lực lượng từ 06 tháng trở lên mới được giải quyết tai nạn giao thông đường bộ? (Hình từ Internet)
Việc giám định chuyên môn, định giá thiệt hại tài sản được thực hiện như thế nào?
Điều 14 Thông tư 72/2024/TT-BCA quy định:
Giám định chuyên môn, định giá thiệt hại tài sản
1. Trường hợp cần giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể người bị nạn, giám định dấu vết; giám định chuyên môn kỹ thuật phương tiện, cầu, đường, phà, tô chức giao thông, chất lượng công trình giao thông liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông đường bộ để làm căn cứ giải quyết vụ tai nạn giao thông đường bộ theo quy định tại khoản 1 Điều 59 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi bổ sung năm 2020), định giá thiệt hại về tài sản thì cán bộ Cảnh sát giao thông được giao nhiệm vụ điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông đường bộ phải báo cáo lãnh đạo có thẩm quyền ra Quyết định trưng cầu giám định, yêu cầu định giá thiệt hại tài sản để yêu cầu, đề nghị cơ quan có chức năng giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật.
2. Đối với cán bộ Cảnh sát giao thông thuộc Cục Cảnh sát giao thông hoặc Phòng Cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh trong quá trình xác minh, giải quyết các vụ tai nạn giao thông đường bộ theo nhiệm vụ, quyền hạn điều tra của Cơ quan thuộc lực lượng Cảnh sát trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra xét thấy cần phải thực hiện thủ tục trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 205 hoặc Điều 215 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) thì báo cáo Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh có Công văn đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra cùng cấp tiến hành trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản theo Mẫu số 15/TNĐB ban hành kèm theo Thông tư này. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ban hành văn bản đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra ra Quyết định trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản thì Cục Cảnh sát giao thông hoặc Phòng Cảnh sát giao thông phải gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp với Cơ quan Cảnh sát điều tra được đề nghị.
3. Trường họp người bị nạn, người đại diện của người bị nạn trong vụ tai nạn giao thông đường bộ từ chối giám định thương tích mà không có lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì vận động, thuyết phục, giải thích quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của pháp luật; nếu họ cương quyết từ chối thì lập biên bản ghi rõ lý do từ chối, có xác nhận của họ và người chứng kiến. Chủ động thu thập hồ sơ, bệnh án tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để phối họp với các đơn vị có chức năng giám định qua hồ sơ đổi với trường họp việc yêu cầu người bị nạn trực tiếp đi giám định gặp khó khăn. Nếu người bị nạn, người đại diện của người bị nạn tiếp tục cản trở, chống đối thì tuỳ theo tính chất, mức độ xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Như vậy, việc giám định chuyên môn, định giá thiệt hại tài sản được thực hiện theo quy định trên.
Thông tư 72/2024/TT-BCAcó hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.
XEM THÊM: 06 việc CSGT cần làm trước khi khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ từ 01/01/2025