Có được tự ý ủi phẳng đồi, san lấp đất rừng sản xuất để xây nhà ở không? Nếu không thì bị xử phạt như thế nào?
Nội dung chính
Có được tự ý ủi phẳng đồi, san lấp đất rừng sản xuất không?
Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể nào định nghĩa hai thuật ngữ “ủi phẳng đồi” và “san lấp đất.” Tuy nhiên, các khái niệm này có thể được hiểu như sau:
(1) Ủi phẳng đồi có thể được hiểu là hành động sử dụng các công cụ cơ giới như máy xúc, máy ủi hoặc các công cụ thủ công khác để san lấp và hạ thấp phần đỉnh hoặc sườn của một ngọn đồi, nhằm tạo ra bề mặt địa hình bằng phẳng. Hành động này thường bao gồm việc cắt gọt lớp đất hoặc đá từ các vùng cao, sau đó di chuyển và đắp chúng vào các khu vực thấp hơn, với mục đích chỉnh sửa lại địa hình theo nhu cầu sử dụng, chẳng hạn như xây dựng hoặc cải tạo đất.
(2) San lấp đất, hay còn được gọi là san lấp mặt bằng, là quá trình thi công nhằm làm phẳng bề mặt đất tự nhiên có địa hình cao thấp không đồng đều. Hoạt động này thường được thực hiện để chuẩn bị nền móng cho các công trình xây dựng hoặc các dự án khác, đảm bảo mặt bằng đất đạt độ ổn định và đồng đều cần thiết.
Theo khoản 27 Điều 3 Luật Đất đai 2024, hành vi hủy hoại đất được định nghĩa là việc làm biến dạng địa hình, suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, dẫn đến mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định. Đây là hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực đất đai, được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 11 Luật Đất đai 2024.
Ngoài ra, khoản 2 Điều 14 Nghị định 123/2024/NĐ-CP cũng xác định rằng, các hành vi làm biến dạng địa hình, bao gồm thay đổi độ dốc bề mặt đất, hạ thấp bề mặt đất, hoặc san lấp nâng cao, hạ thấp bề mặt của đất sản xuất nông nghiệp (bao gồm đất rừng sản xuất) mà gây mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã xác định, đều được xem là hành vi hủy hoại đất.
Theo định nghĩa về ủi phẳng đồi và san lấp đất, khi các hành vi này được áp dụng trên đất rừng sản xuất, chúng gây ra sự biến dạng địa hình, bao gồm việc thay đổi độ dốc tự nhiên, hạ thấp hoặc san lấp, nâng cao bề mặt đất. Những tác động này không chỉ làm mất đi đặc tính tự nhiên của đất rừng sản xuất mà còn dẫn đến suy giảm hoặc mất hoàn toàn khả năng sử dụng đất rừng sản xuất theo mục đích đã được xác định. Vì vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên thì cả hai hành vi này được coi là hủy hoại đất, bị nghiêm cấm theo quy định pháp luật hiện hành và sẽ chịu hình thức xử phạt tương ứng khi vi phạm.
Như vậy, không được tự ý ủi phẳng đồi, san lấp đất rừng sản xuất, nếu không sẽ bị xử phạt theo quy định.
Có được tự ý ủi phẳng đồi, san lấp đất rừng sản xuất để xây nhà ở không? Nếu không thì bị xử phạt như thế nào? (Hình từ Internet)
Có được tự ý xây nhà ở trên đất rừng sản xuất không?
Theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 4 Nghị định 102/2024/NĐ-CP, đất rừng sản xuất được hiểu là đất có rừng sản xuất theo quy định pháp luật về lâm nghiệp, đất đã được giao, cho thuê, chuyển đổi mục đích để phục vụ việc phát triển rừng sản xuất. Loại đất này thuộc nhóm đất nông nghiệp.
Ngược lại, tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 102/2024/NĐ-CP, đất ở được định nghĩa là loại đất sử dụng để làm nhà ở và phục vụ các mục đích liên quan đến đời sống trong cùng một thửa đất, thuộc nhóm đất phi nông nghiệp.
Khoản 1 Điều 5 Luật Đất đai 2024 cũng nhấn mạnh nguyên tắc quan trọng trong sử dụng đất, đó là phải sử dụng đất đúng mục đích đã được xác định. Do đó, để xây dựng nhà ở trên đất rừng sản xuất, người sử dụng đất phải thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất rừng sản xuất (đất nông nghiệp) sang đất ở (đất phi nông nghiệp). Điều này cần sự cho phép từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền, căn cứ điểm b khoản 1 Điều 121 Luật Đất đai 2024.
Từ đó có thể khẳng định, hành vi tự ý xây nhà ở trên đất rừng sản xuất mà chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất là vi phạm pháp luật, trái với nguyên tắc sử dụng đất đúng mục đích. Đây là hành động không được pháp luật thừa nhận và có thể bị xử lý theo quy định hiện hành.
Hành vi tự ý ủi phẳng đồi, san lấp đất rừng sản xuất để xây nhà ở bị xử phạt hành chính như thế nào?
Dựa theo những phân tích ở các nội dung trước, hành vi tự ý ủi phẳng đồi, san lấp đất rừng sản xuất để xây nhà ở bị xử phạt hành chính như sau:
Thứ nhất, xử phạt đối với hành vi tự ý ủi phẳng đồi, san lấp đất rừng sản xuất
Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 123/2024/NĐ-CP, hành vi tự ý ủi phẳng đồi, san lấp đất rừng sản xuất sẽ bị xử phạt tùy vào diện tích đất bị ủi phẳng, san lấp, cụ thể như sau:
(1) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với diện tích đất dưới 0,05 héc ta;
(2) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
(3) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
(4) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
(5) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 01 héc ta trở lên.
Bên cạnh đó, người thực hiện hành vi còn bị buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất rừng sản xuất trước khi vi phạm, trừ trường hợp việc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm không có tính khả thi trên thực địa. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế tại địa phương để quy định các trường hợp không có tính khả thi và mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất (Căn cứ khoản 5 Điều 14 Nghị định 123/2024/NĐ-CP).
Đối với các hành vi tự ý ủi phẳng đồi, san lấp đất rừng sản xuất mà thuộc trường hợp không có tính khả thi để khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm theo quy định nêu trên thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền tương ứng quy định từ (1) đến (5), nhưng tối đa không quá 500.000.000 đồng đối với cá nhân, không quá 1.000.000.000 đồng đối với tổ chức (Căn cứ khoản 4 Điều 14 Nghị định 123/2024/NĐ-CP)
Thứ hai, đối với hành vi xây nhà ở trên đất rừng sản xuất
Theo quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 9 Nghị định 123/2024/NĐ-CP, hành vi xây nhà ở trên đất rừng sản xuất (chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất sang đất ở mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép) bị xử phạt như sau:
(1) Xây nhà ở trên đất rừng sản xuất thuộc địa giới hành chính của xã thì hình thức và mức xử phạt như sau:
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với diện tích đất từ dưới 0,02 héc ta;
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;
- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
- Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
- Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,5 héc ta trở lên.
(2) Xây nhà ở trên đất rừng sản xuất thuộc địa giới hành chính của phường, thị trấn thì mức xử phạt bằng 02 lần mức phạt tương ứng với quy định tại (1).
Ngoài ra, người thực hiện hành vi còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
- Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất rừng sản xuất trước khi vi phạm, trừ trường hợp đặc biệt là sử dụng đất rừng sản xuất không đúng mục đích trước ngày 01/07/2014 nhưng đang sử dụng ổn định, phù hợp với quy hoạch cấp huyện, quy hoạch chung, phân khu, xây dựng hoặc nông thôn, thì người sử dụng đất có thể được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà không phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất rừng sản xuất trước khi vi phạm theo quy định tại khoản 3 Điều 139 Luật Đất đai 2024.
- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Lưu ý: Mức phạt tiền nêu ở trên là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính (Căn cứ khoản Điều 5 Nghị định 123/2024/NĐ-CP)