Loading


Có phải đảm bảo đầy đủ các dịch vụ cơ bản ở khu tái định cư hay không?

Có phải đảm bảo đầy đủ các dịch vụ cơ bản ở khu tái định cư hay không? Địa điểm nào được ưu tiên nhất khi lựa chọn địa điểm tái định cư?

Nội dung chính

    Khu tái định cư có đảm bảo đầy đủ các dịch vụ cơ bản như y tế, giáo dục, chợ và giao thông không?

    Căn cứ khoản 2 Điều 110 Luật Đất đai 2024 quy định khu tái định cư phải bảo đảm các điều kiện như sau:

    - Hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư tối thiểu phải đạt tiêu chuẩn nông thôn mới đối với khu vực nông thôn, đạt tiêu chuẩn đô thị đối với khu vực đô thị, trong đó: đường giao thông bảo đảm kết nối với khu vực lân cận, điện chiếu sáng và điện sinh hoạt, hệ thống cấp, thoát nước, thông tin liên lạc, xử lý môi trường;

    - Hạ tầng xã hội khu tái định cư phải bảo đảm khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, chợ, thương mại, dịch vụ, vui chơi, giải trí, nghĩa trang;

    - Phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền.

    Như vậy, khu tái định cư phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, bao gồm các dịch vụ cơ bản thiết yếu như y tế, giáo dục, giao thông, điện, nước, và các tiện ích công cộng khác, nhằm bảo đảm chất lượng sống cho người dân tái định cư.

    Có phải đảm bảo đầy đủ các dịch vụ cơ bản ở khu tái định cư hay không? (Hình từ internet)

    Có phải đảm bảo đầy đủ các dịch vụ cơ bản ở khu tái định cư hay không? (Hình từ internet)

    Tổ chức nào lập, thực hiện các khu tái định cư và trách nhiệm đảm bảo bố trí tái định cư?

    Căn cứ vào khoản 1 Điều 110 Luật Đất đai 2024 quy định về việc lập và thực hiện dự án khu tái định cư như sau:

    Lập và thực hiện dự án tái định cư, khu tái định cư
    1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư theo quy định của pháp luật.

    Đồng thời theo khoản 6 Điều 91 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:

    Nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất
    ...
    4. Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản để tạo điều kiện cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản có việc làm, có thu nhập, ổn định đời sống, sản xuất.
    5. Khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời phải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất thu hồi. Khu tái định cư có thể bố trí cho một hoặc nhiều dự án.
    6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư để bảo đảm chủ động trong việc bố trí tái định cư cho người có đất thu hồi. Việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư phải được hoàn thành trước khi có quyết định thu hồi đất.

    Như vậy, theo quy định nêu trên, khu tái định cư có thể bố trí cho một hoặc nhiều dự án. Việc tổ chức lập và thực hiện các khu tái định cư do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện của địa phương đó chủ trì.

    Bên cạnh đó, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân cấp huyện còn có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư để bảo đảm chủ động trong việc bố trí tái định cư cho người có đất thu hồi.

    Địa điểm nào được ưu tiên nhất khi lựa chọn địa điểm tái định cư?

    Tái định cư được giải thích tại khoản 39 Điều 3 Luật Đất đai 2024 là việc Nhà nước thực hiện bồi thường bằng đất ở hoặc bằng nhà ở tại khu tái định cư hoặc địa điểm khác phù hợp cho người có đất thu hồi hoặc hỗ trợ bằng giao đất ở, nhà ở tái định cư cho người không đủ điều kiện bồi thường về đất ở theo quy định của Luật này nhưng không còn chỗ ở nào khác.

    Theo đó căn cứ khoản 3 Điều 110 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:

    Lập và thực hiện dự án tái định cư, khu tái định cư
    ...
    3. Địa điểm tái định cư được lựa chọn theo thứ tự ưu tiên sau đây:
    a) Tại địa bàn đơn vị hành chính cấp xã nơi có đất bị thu hồi;
    b) Tại địa bàn đơn vị hành chính cấp huyện nơi có đất bị thu hồi đối với trường hợp tại địa bàn đơn vị hành chính cấp xã nơi có đất thu hồi không có đất để bố trí tái định cư;
    c) Tại địa bàn khác có điều kiện tương đương trong trường hợp tại địa bàn đơn vị hành chính cấp huyện nơi có đất thu hồi không có đất để bố trí tái định cư;
    d) Ưu tiên lựa chọn khu đất có vị trí thuận lợi để hình thành khu tái định cư.
    4. Khu tái định cư sau khi đã giao đất tái định cư mà còn quỹ đất thì ưu tiên giao đất cho cá nhân thuộc đối tượng được giao đất ở không đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này; trường hợp vẫn còn quỹ đất thì giao đất cho cá nhân thuộc đối tượng được giao đất ở thông qua đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này.


    Như vậy, khi lựa chọn địa điểm tái định cư, địa bàn đơn vị hành chính cấp xã nơi có đất bị thu hồi được ưu tiên lựa chọn hàng đầu. Nếu không có đất để bố trí tái định cư tại cấp xã, thì sẽ xem xét địa bàn cấp huyện và cuối cùng là sẽ tìm kiếm địa điểm tại các khu vực khác có điều kiện tương đương. Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi cho những người có đất bị thu hồi và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái định cư.

    saved-content
    unsaved-content
    71