Loading


Công thức tính thuế trước bạ khi mua căn hộ chung cư như thế nào?

Công thức tính thuế trước bạ khi mua căn hộ chung cư như thế nào? Khi mua bán căn hộ chung cư thì cần nộp các loại giấy tờ gì về khai thuế trước bạ?

Nội dung chính

    Công thức tính thuế trước bạ khi mua căn hộ chung cư như thế nào?

    Căn cứ Điều 6, điểm c khoản 1 Điều 7 Nghị định 10/2022/NĐ-CP và điểm b khoản 1 Điều 3 Thông tư 13/2022/TT-BTC, công thức tính lệ phí trước bạ khi mua căn hộ chung cư được tính như sau:

    - Trường hợp giá nhà chung cư tại hợp đồng mua bán chung cư cao hơn giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) ban hành

    Lệ phí trước bạ phải nộp = 0,5% x Giá chuyển nhượng tại hợp đồng

    Ví dụ: Ông A bán cho ông B căn hộ chung cư 70m2 với giá 02 tỷ đồng, lệ phí trước bạ ông B phải nộp trong trường hợp này là 10 triệu đồng (0,5% x 02 tỷ đồng).

    - Trường hợp giá nhà chung cư tại hợp đồng mua bán chung cư thấp hơn hoặc bằng hơn giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành

    Lệ phí trước bạ phải nộp = 0,5% x Giá tính lệ phí trước bạ theo giá nhà nước

    Trong đó, giá tính thuế trước bạ khi mua căn hộ chung cư theo giá nhà nước bao gồm:

    +Giá tính thuế trước bạ khi mua căn hộ chung cư:

    Giá trị nhà tính lệ phí trước bạ (đồng) = Diện tích x Giá 01m2 x Tỷ lệ % chất lượng còn lại (nếu là chung cư cũ)

    + Giá tính lệ phí trước bạ đối với phần đất xây dựng nhà chung cư được phân bổ:

    Giá tính lệ phí trước bạ = Giá đất tại bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành x Hệ số phân bổ

    Công thức tính thuế trước bạ khi mua căn hộ chung cư như thế nào?

    Công thức tính thuế trước bạ khi mua căn hộ chung cư như thế nào? (Hình từ Internet)

    Khi mua bán căn hộ chung cư thì cần nộp các loại giấy tờ gì về khai thuế trước bạ?

    Căn cứ tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định hồ sơ khai thuế trước bạ khi mua căn hộ chung cư gồm các giấy tờ sau:

    - Tờ khai lệ phí trước bạ.

    - Bản sao các giấy tờ chứng minh tài sản (hoặc chủ tài sản) thuộc diện miễn lệ phí trước bạ (nếu có), trừ trường hợp nộp bản chính.

    - Bản sao giấy tờ chứng minh về chung cư theo quy định (Sổ hồng, hợp đồng mua bán chung cư đối với trường hợp chuyển nhượng hợp đồng).

    - Hợp đồng mua bán chung cư có công chứng hoặc chứng thực.

    Khi mua căn hộ chung cư thì chủ sở hữu sẽ có các quyền và trách nhiệm gì trong việc sử dụng nhà chung cư?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 41 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư được ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BXD về các quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu căn hộ chung cư sau khi mua như sau:

    Quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu nhà chung cư
    1. Đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu thì các chủ sở hữu có quyền và trách nhiệm sau đây trong quản lý, sử dụng nhà chung cư:
    a) Được quyền sở hữu, sử dụng phần sở hữu riêng; có quyền sử dụng phần sở hữu chung theo quy định của pháp luật về nhà ở và Quy chế này. Có trách nhiệm bảo trì phần sở hữu riêng theo quy định của pháp luật về nhà ở và Quy chế này; có trách nhiệm bồi thường nếu việc bảo trì hoặc không bảo trì gây ra thiệt hại cho chủ sở hữu khác;
    b) Yêu cầu chủ đầu tư, Ban quản trị hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức Hội nghị nhà chung cư theo quy định của Quy chế này; tham dự Hội nghị nhà chung cư và biểu quyết các nội dung trong cuộc họp Hội nghị nhà chung cư theo quy định của Luật Nhà ở và Quy chế này;
    c) Yêu cầu chủ đầu tư khi chưa thành lập Ban quản trị, đơn vị quản lý vận hành, Ban quản trị cung cấp các thông tin, công khai các nội dung liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà chung cư;
    d) Chấp hành đầy đủ các quyết định của Hội nghị nhà chung cư, kể cả trường hợp không tham dự Hội nghị nhà chung cư; chấp hành quyết định giải quyết, xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
    đ) Đóng góp đầy đủ, đúng thời hạn kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư, kinh phí bảo trì phần sở hữu chung và các chi phí, lệ phí khác theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận với nhà cung cấp dịch vụ.
    Trường hợp chủ sở hữu không đóng kinh phí quản lý vận hành theo quy định thì giải quyết theo thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư mà Ban quản trị đã ký với đơn vị quản lý vận hành; trường hợp chưa ký hợp đồng quy định tại khoản 1 Điều 29 của Quy chế này thì thực hiện theo nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư đã được Hội nghị nhà chung cư thông qua;
    e) Chấp hành nội quy, quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư; phát hiện và thông báo kịp thời cho đơn vị quản lý vận hành hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư;
    g) Sửa chữa các hư hỏng thuộc phần sở hữu riêng mà có ảnh hưởng đến việc sử dụng của các chủ sở hữu khác trong nhà chung cư; tạo điều kiện và hỗ trợ đơn vị có chức năng thực hiện bảo trì, sửa chữa các hư hỏng thấm, dột của sàn, khu vệ sinh thuộc phần sở hữu chung theo quy định;
    h) Khôi phục lại nguyên trạng và bồi thường thiệt hại nếu gây hư hỏng phần diện tích, thiết bị thuộc sở hữu chung hoặc phần diện tích, thiết bị thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu khác; bị xử lý theo quy định của pháp luật và phải bồi thường thiệt hại khi có hành vi cản trở hoạt động kinh doanh hợp pháp của chủ sở hữu khu kinh doanh dịch vụ;
    i) Mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đối với phần sở hữu riêng, đóng góp kinh phí để mua bảo hiểm cháy nổ đối với phần sở hữu chung theo quy định của pháp luật phòng cháy, chữa cháy và pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải bồi thường trong trường hợp gây ra cháy nổ trong nhà chung cư;

    k) Thực hiện các quy định khác của pháp luật có liên quan.

    ...

    Như vậy, quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu nhà chung cư bao gồm quyền sở hữu và sử dụng phần riêng, cũng như phần chung theo quy định.

    Các chủ sở hữu có trách nhiệm bảo trì phần riêng, tham gia Hội nghị nhà chung cư, và chấp hành các quyết định của Hội nghị và cơ quan nhà nước.

    Họ cũng cần đóng góp kinh phí quản lý và bảo trì, đồng thời phát hiện và thông báo vi phạm trong quản lý.

    Ngoài ra, chủ sở hữu phải sửa chữa hư hỏng thuộc phần riêng ảnh hưởng đến người khác, khôi phục nguyên trạng và bồi thường thiệt hại nếu gây hư hỏng phần chung hoặc phần riêng của người khác.

    Họ cần mua bảo hiểm cháy nổ cho phần riêng và đóng góp kinh phí cho phần chung, cũng như chịu trách nhiệm pháp lý trong trường hợp gây ra cháy nổ.

    saved-content
    unsaved-content
    184