Đảo nào thuộc quần đảo Hoàng Sa? Nhà nước có những chính sách nào về hải đảo?
Nội dung chính
Đảo nào thuộc quần đảo Hoàng Sa?
Quần đảo Hoàng Sa gồm các đảo và bãi đá nằm trên Biển Đông, bao gồm nhiều đảo quan trọng. Các đảo trong quần đảo Hoàng Sa được chia thành nhiều nhóm, trong đó hai nhóm chính là nhóm Lưỡi Liềm và nhóm An Vĩnh thuộc chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Nhóm Lưỡi Liềm: Nhóm đảo này có hình cánh cung hay lưỡi liềm, nằm về phía tây quần đảo, gần đất liền Việt Nam, gồm 08 đảo chính là Đá Bắc, Hoàng Sa, Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Ảnh, Quang Hòa, Bạch Quy, Tri Tôn và các bãi ngầm, mỏm đá.
Nhóm An Vĩnh: Nằm ở phía đông, bao gồm các đảo tương đối lớn của quần đảo Hoàng Sa và cũng là các đảo san hô lớn nhất của Biển Đông như đảo Phú Lâm, đảo Cây, đảo Linh Côn, đảo Trung, đảo Bắc, đảo Nam, đảo Tây, đảo Hòn Đá.
Ngoài các đảo, quần đảo Hoàng Sa còn có nhiều bãi ngầm và đá ngầm, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam, đồng thời là khu vực giàu tài nguyên của vùng biển Việt Nam như cá và dầu khí.
Đảo nào thuộc quần đảo Hoàng Sa? Nhà nước có những chính sách nào về hải đảo? (Hình từ Internet)
Nhà nước có những chính sách nào về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo?
Căn cứ Điều 4 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015 quy định như sau:
Chính sách của Nhà nước về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo
1. Nhà nước bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
2. Nhà nước huy động các nguồn lực, khuyến khích đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; ưu tiên cho vùng biển sâu, biển xa, hải đảo, vùng biển quốc tế liền kề và các tài nguyên mới có tầm quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
3. Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong việc kiểm soát ô nhiễm, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường biển và hải đảo, biến đổi khí hậu, nước biển dâng; quản lý chặt chẽ hoạt động nhận chìm ở biển.
4. Đầu tư nâng cao năng lực quan trắc, giám sát, dự báo về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; thiết lập hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tổng hợp, đồng bộ về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phục vụ phát triển kinh tế biển, quốc phòng, an ninh.
5. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo trên nguyên tắc giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia.
Theo đó, Nhà nước có 05 chính sách nào về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo cụ thể theo quy định trên.
Hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được thực hiện thông qua đâu?
Căn cứ Điều 13 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015 quy định như sau:
Hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo
1. Hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được thực hiện thông qua các dự án, đề án, nhiệm vụ sau đây:
a) Dự án, đề án, nhiệm vụ điều tra cơ bản thuộc chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;
b) Dự án, đề án, nhiệm vụ điều tra cơ bản không thuộc chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
2. Các dự án, đề án, nhiệm vụ điều tra cơ bản quy định tại điểm a khoản 1 Điều này bao gồm dự án, đề án, nhiệm vụ điều tra mang tính liên ngành, liên vùng, ở vùng biển sâu, biển xa và vùng biển quốc tế liền kề; điều tra cơ bản hải đảo, phát hiện nguồn tài nguyên mới, các dự án, đề án, nhiệm vụ điều tra cơ bản có tầm quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
3. Các dự án, đề án, nhiệm vụ điều tra cơ bản quy định tại điểm b khoản 1 Điều này do bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật; trước khi phê duyệt phải lấy ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường về sự cần thiết, đối tượng, phạm vi, nội dung điều tra, tính khả thi, hiệu quả; sau khi phê duyệt phải gửi quyết định phê duyệt và thông tin về vị trí, ranh giới, diện tích, tọa độ khu vực điều tra của dự án, đề án, nhiệm vụ về Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Như vậy, hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo thuộc vùng biển Việt Nam được thực hiện thông qua các dự án, đề án, nhiệm vụ sau đây:
- Dự án, đề án, nhiệm vụ điều tra cơ bản thuộc chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;
- Dự án, đề án, nhiệm vụ điều tra cơ bản không thuộc chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.