Đất tín ngưỡng và đất tôn giáo có gì giống và khác nhau theo pháp luật về đất đai?

Đất tín ngưỡng và đất tôn giáo có gì giống và khác nhau theo pháp luật về đất đai? Sử dụng đất tôn giáo có phải trả tiền sử dụng đất cho Nhà nước hay không?

Nội dung chính

    Đất tín ngưỡng và đất tôn giáo có gì giống và khác nhau theo pháp luật về đất đai?

    (1) Pháp luật quy định như thế nào về Đất tín ngưỡng và đất tôn giáo:

    Căn cứ theo quy định tại khoản 7 Điều 5 Nghị định 102/2024/NĐ-CP:

    Quy định chi tiết loại đất trong nhóm đất phi nông nghiệp
    ...
    7. Đất tôn giáo là đất xây dựng các công trình tôn giáo, bao gồm: chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh đường, thánh thất, niệm phật đường, tượng đài, bia và tháp thuộc cơ sở tôn giáo; cơ sở đào tạo tôn giáo; trụ sở tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc và các công trình tôn giáo hợp pháp khác.

    Theo quy định trên, đất tôn giáo là loại đất được sử dụng để xây dựng các công trình phục vụ hoạt động tôn giáo. Các công trình này bao gồm: chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh đường, thánh thất, niệm Phật đường, tượng đài, bia, tháp thuộc cơ sở tôn giáo; cơ sở đào tạo tôn giáo; trụ sở tổ chức tôn giáo hoặc tổ chức tôn giáo trực thuộc; cùng các công trình tôn giáo hợp pháp khác.

    Bên cạnh đó, căn cứ vào khoản 8 Điều 5 Nghị định 102/2024/NĐ-CP:

    Quy định chi tiết loại đất trong nhóm đất phi nông nghiệp
    ...
    8. Đất tín ngưỡng là đất xây dựng các công trình tín ngưỡng, bao gồm: đình, đến, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ, tượng, đài, bia và tháp thuộc cơ sở tín ngưỡng; chùa không thuộc quy định tại khoản 1 Điều 213 Luật Đất đai, khoản 7 Điều này và các công trình tín ngưỡng khác.

    Theo đó, đất tín ngưỡng là loại đất được sử dụng để xây dựng các công trình phục vụ hoạt động tín ngưỡng. Các công trình này bao gồm: đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ, tượng, đài, bia, tháp thuộc cơ sở tín ngưỡng.

    (2) Điểm giống nhau:

    - Cả hai đều thuộc nhóm đất phi nông nghiệp.

    - Mục đích sử dụng là để xây dựng các công trình phục vụ nhu cầu tâm linh và văn hóa của cộng đồng.

    - Các công trình phải hợp pháp, đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng đúng mục đích được quy định trong pháp luật.

    (3) Điểm khác nhau:

    - Đối tượng sử dụng:

    + Đất tôn giáo: Phục vụ các tổ chức tôn giáo và cộng đồng tín đồ thực hành các nghi lễ tôn giáo (Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo...).

    + Đất tín ngưỡng: Phục vụ hoạt động tín ngưỡng dân gian, truyền thống như thờ cúng tổ tiên, các vị thần, anh hùng dân tộc hoặc các phong tục đặc thù tại địa phương.

    - Công trình xây dựng:

    + Đất tôn giáo: Gắn liền với các công trình như chùa, nhà thờ, thánh đường, thánh thất, cơ sở đào tạo tôn giáo, trụ sở tổ chức tôn giáo.

    + Đất tín ngưỡng: Gắn liền với các công trình như đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ, tượng đài, bia hoặc tháp.

    Đất tín ngưỡng và đất tôn giáo có gì giống và khác nhau theo pháp luật về đất đai? (Hình từ Internet)Đất tín ngưỡng và đất tôn giáo có gì giống và khác nhau theo pháp luật về đất đai? (Hình từ Internet)

    Sử dụng đất tôn giáo có phải trả tiền sử dụng đất cho Nhà nước hay không?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 118 Luật Đất đai 2024:

    Giao đất không thu tiền sử dụng đất
    ...
    5. Cộng đồng dân cư sử dụng đất nông nghiệp; tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc sử dụng đất quy định tại khoản 2 Điều 213 của Luật này.

    Cùng với đó căn cứ vào khoản 2 Điều 213 Luật Đất đai 2024:

    Đất tôn giáo
    ...
    2. Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với đất xây dựng cơ sở tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc.

    Theo quy định trên, đất tôn giáo sẽ thuộc trường hợp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, do đó, sử dụng đất tôn giáo không phải trả tiền sử dụng đất cho Nhà nước.

    Thời hạn sử dụng đất tôn giáo được pháp luật quy định như thế nào?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 171 Luật Đất đai 2024:

    Đất sử dụng ổn định lâu dài
    1. Đất ở.
    2. Đất nông nghiệp do cộng đồng dân cư sử dụng quy định tại khoản 4 Điều 178 của Luật này.
    3. Đất rừng đặc dụng; đất rừng phòng hộ; đất rừng sản xuất do tổ chức quản lý.
    4. Đất thương mại, dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp của cá nhân đang sử dụng ổn định được Nhà nước công nhận mà không phải là đất được Nhà nước giao có thời hạn, cho thuê.
    5. Đất xây dựng trụ sở cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 199 của Luật này; đất xây dựng công trình sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại khoản 2 Điều 199 của Luật này.
    6. Đất quốc phòng, an ninh.
    7. Đất tín ngưỡng.
    8. Đất tôn giáo quy định tại khoản 2 Điều 213 của Luật này.
    9. Đất sử dụng vào mục đích công cộng không có mục đích kinh doanh.
    10. Đất nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng; đất cơ sở lưu giữ tro cốt.
    11. Đất quy định tại khoản 3 Điều 173 và khoản 2 Điều 174 của Luật này

    Theo đó, đất tôn giáo, giống như nhiều loại đất khác trong nhóm đất phi nông nghiệp, được sử dụng ổn định lâu dài mà không bị giới hạn thời gian cụ thể. Điều này có nghĩa là khi đất được giao hoặc cho thuê để xây dựng các công trình tôn giáo (như chùa, nhà thờ, thánh đường, và các công trình tôn giáo hợp pháp khác), thời gian sử dụng đất sẽ không có thời hạn cụ thể, trừ khi có sự thay đổi về mục đích sử dụng đất hoặc yêu cầu khác từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

    saved-content
    unsaved-content
    66
    CÔNG TY TNHH THƯ VIỆN NHÀ ĐẤT