Loading


Đất trồng lúa còn lại là gì? Quy định về hỗ trợ địa phương sản xuất lúa thế nào?

Đất trồng lúa còn lại là gì? Quy định về hỗ trợ địa phương sản xuất lúa thế nào? Việc sử dụng kinh phí hỗ trợ ra sao?

Nội dung chính

    Đất trồng lúa còn lại là gì?

    Căn cứ vào khoản 2 Điều 9 Luật Đất đai 2024 quy định về phân loại đất như sau:

    Phân loại đất
    ...
    2. Nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
    a) Đất trồng cây hằng năm, gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác;
    b) Đất trồng cây lâu năm;
    c) Đất lâm nghiệp, gồm đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất;
    d) Đất nuôi trồng thủy sản;
    đ) Đất chăn nuôi tập trung;
    e) Đất làm muối;
    g) Đất nông nghiệp khác.

    Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định chi tiết loại đất trong nhóm đất nông nghiệp như sau:

    Quy định chi tiết loại đất trong nhóm đất nông nghiệp
    1. Đất trồng cây hằng năm là đất trồng các loại cây được gieo trồng, cho thu hoạch và kết thúc chu kỳ sản xuất trong thời gian không quá một năm, kể cả cây hằng năm được lưu gốc. Đất trồng cây hằng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác, cụ thể như sau:
    a) Đất trồng lúa là đất trồng từ một vụ lúa trở lên hoặc trồng lúa kết hợp với các mục đích sử dụng đất khác được pháp luật cho phép nhưng trồng lúa là chính. Đất trồng lúa bao gồm đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa còn lại, trong đó đất chuyên trồng lúa là đất trồng từ 02 vụ lúa trở lên;
    b) Đất trồng cây hằng năm khác là đất trồng các cây hằng năm không phải là trồng lúa.
    ...

    Tương tự, tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 112/2024/NĐ-CP quy định:

    Giải thích từ ngữ
    Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
    1. Đất trồng lúa là đất trồng từ một vụ lúa trở lên hoặc trồng lúa kết hợp với các mục đích sử dụng đất khác được pháp luật cho phép nhưng trồng lúa là chính, đất trồng lúa bao gồm đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa còn lại.
    a) Đất chuyên trồng lúa là đất trồng hai vụ lúa nước trở lên trong năm;
    b) Đất trồng lúa còn lại là đất trồng một vụ lúa nước trong năm và đất trồng lúa nương.
    ...

    Vậy, đất trồng lúa bao gồm đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa còn lại. Trong đó có thể hiểu đất trồng lúa còn lại là đất chỉ trồng một vụ lúa nước trong năm và đất trồng lúa nương.

    Đất trồng lúa còn lại là gì?

    Đất trồng lúa còn lại là gì? (Hình từ Internet)

    Quy định về hỗ trợ địa phương sản xuất lúa thế nào?

    Căn cứ vào Điều 14 Nghị định 112/2024/NĐ-CP quy định về hỗ trợ địa phương sản xuất lúa như sau:

    (1) Ngân sách nhà nước hỗ trợ sản xuất lúa như sau:

    + Hỗ trợ 1.500.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa;

    + Hỗ trợ 750.000 đồng/ha/năm đối với đất trồng lúa còn lại, trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa;

    + Hỗ trợ thêm 1.500.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa tại vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao.

    (2) Diện tích đất trồng lúa (đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa còn lại, trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa) được hỗ trợ được xác định theo số liệu thống kê đất đai của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố của năm liền kề trước năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách, riêng đối với kinh phí phân bổ cho năm 2025 là số liệu thống kê đất đai của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố của năm 2023.

    (3) Diện tích đất trồng lúa (đất chuyên trồng lúa tại vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao) được hỗ trợ theo quy định do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định theo quy định và công bố của năm liền kề trước năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách.

    (4) Đối với năm trong thời kỳ ổn định ngân sách, cơ chế hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương đối với chính sách quy định tại mục (1) áp dụng nguyên tắc hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách an sinh xã hội do trung ương ban hành tương ứng từng thời kỳ.

    (5) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý, phân bổ nguồn ngân sách được hỗ trợ để thực hiện bảo vệ đất trồng lúa theo quy định.

    Sử dụng kinh phí hỗ trợ địa phương sản xuất lúa ra sao?

    Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 112/2024/NĐ-CP thì sử dụng kinh phí hỗ trợ như sau:

    - Việc sử dụng nguồn kinh phí do người được nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa phải nộp theo quy định và nguồn kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ sản xuất lúa trong dự toán chi cân đối ngân sách địa phương theo quy định do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập trình Hội đồng nhân dân cùng cấp căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, quyết định cụ thể nguyên tắc, phạm vi, định mức hỗ trợ và việc sử dụng kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động quy định sau đây.

    - Nguồn kinh phí được sử dụng cho các hoạt động sau:

    + Hỗ trợ cho người sử dụng đất trồng lúa: sử dụng giống lúa hợp pháp để sản xuất; áp dụng quy trình sản xuất, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận; xây dựng mô hình trình diễn; hoạt động khuyến nông; tổ chức đào tạo, tập huấn, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm;

    + Cải tạo, nâng cao chất lượng đất trồng lúa;

    + Đánh giá tính chất lý, hóa học; xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng vùng đất chuyên trồng lúa theo định kỳ 05 năm/lần;

    + Sửa chữa, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn xã;

    + Hỗ trợ mua bản quyền sở hữu giống lúa được bảo hộ.

    saved-content
    unsaved-content
    66