Loading

10:45 - 31/12/2024

Giới hạn độ tuổi bổ nhiệm công chứng viên từ 01/7/2025

Luật Công chứng 2024 có hiệu lực từ 01/7/2025 quy định công dân Việt Nam không quá 70 tuổi là một trong những tiêu chuẩn xem xét bổ nhiệm công chứng viên.

Nội dung chính

    Giới hạn độ tuổi bổ nhiệm công chứng viên từ 01/7/2025

    Căn cứ Điều 10 Luật Công chứng 2024 (có hiệu lực từ 01/7/2025) quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên như sau:

    Tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên
    Người có đủ các tiêu chuẩn sau đây thì được xem xét bổ nhiệm công chứng viên:
    1. Là công dân Việt Nam không quá 70 tuổi;
    2. Thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng;
    3. Có bằng cử nhân luật hoặc thạc sĩ luật hoặc tiến sĩ luật;
    4. Có thời gian công tác pháp luật từ đủ 03 năm trở lên tại cơ quan, tổ chức sau khi có bằng cử nhân luật hoặc thạc sĩ luật hoặc tiến sĩ luật;
    5. Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng;
    6. Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng.

    Theo đó, những công dân Việt Nam không quá 70 tuổi đáp ứng đầy đủ những điều kiện theo quy định trên thì được xem xét bổ nhiệm công chứng viên.

    Đây là một trong những quy định mới trong Luật Công chứng 2024 trong khi quy định hiện hành là Luật Công chứng 2014 không quy định giới hạn tuổi hành nghề công chứng.

    Ngoài ra, khoản 5 Điều 76 Luật Công chứng 2024 cũng quy định rõ công chứng viên quá 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại ngày Luật Công chứng 2024 (có hiệu lực từ 01/7/2025) thì được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn 02 năm kể từ ngày 01/7/2025; công chứng viên từ đủ 68 đến đủ 70 tuổi tại ngày Luật Công chứng 2024 có hiệu lực thi hành thì được hành nghề công chứng đến khi đủ 72 tuổi. Khi hết thời hạn nêu trên, công chứng viên đương nhiên miễn nhiệm.

    Giới hạn độ tuổi bổ nhiệm công chứng viên từ 01/7/2025

    Giới hạn độ tuổi bổ nhiệm công chứng viên từ 01/7/2025 (Hình từ Internet)

    Quyền và nghĩa vụ của công chứng viên từ 01/7/2025

    Quyền và nghĩa vụ của công chứng viên từ 01/7/2025 được quy định tại Điều 18 Luật Công chứng 2024 như sau:

    (1) Công chứng viên có các quyền sau đây:

    - Được bảo đảm quyền hành nghề công chứng;

    - Thành lập, tham gia thành lập Văn phòng công chứng, tham gia hợp danh vào Văn phòng công chứng hoặc làm việc theo chế độ hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề công chứng;

    - Được công chứng giao dịch theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; được chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản, chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật về chứng thực;

    - Đề nghị cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, được khai thác, sử dụng thông tin từ các cơ sở dữ liệu theo quy định của pháp luật để thực hiện việc công chứng;

    - Quyền khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

    (2) Công chứng viên có các nghĩa vụ sau đây:

    - Tuân thủ các nguyên tắc hành nghề công chứng;

    - Tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người yêu cầu công chứng;

    - Hành nghề tại 01 tổ chức hành nghề công chứng; bảo đảm thời gian làm việc theo ngày, giờ làm việc của tổ chức hành nghề công chứng;

    - Hướng dẫn người yêu cầu công chứng thực hiện đúng các quy định về thủ tục công chứng và quy định của pháp luật có liên quan; giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc công chứng;

    - Từ chối công chứng trong trường hợp giao dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội và các trường hợp khác theo quy định của Luật này; giải thích rõ lý do từ chối công chứng;

    - Giữ bí mật về nội dung công chứng, trừ trường hợp được người yêu cầu công chứng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác;

    - Tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hằng năm;

    - Gia nhập Hội công chứng viên tại địa phương nơi muốn hành nghề và duy trì tư cách hội viên trong suốt quá trình hành nghề công chứng tại địa phương đó;

    - Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng mà mình thực hiện;

    - Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của Văn phòng công chứng mà mình là thành viên hợp danh hoặc chủ doanh nghiệp tư nhân;

    - Nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

    Luật Công chứng 2024 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 26/11/2024, có hiệu lực từ 01/7/2025.

    saved-content
    unsaved-content
    39