Hộ gia đình di chuyển đến vùng kinh tế mới thì được miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp như thế nào?

Khi hộ gia đình di chuyển đến vùng kinh tế mới thì được miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp như thế nào? Phân hạng đất để tính thuế sử dụng đất nông nghiệp dựa trên yếu tố nào?

Nội dung chính

    Hộ gia đình sử dụng đất nông nghiệp phải chịu thuế trong trường hợp nào?

    Căn cứ theo khoản 25 Điều 3 Luật Đất đai 2024 thì hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất trước ngày Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành.

    Và theo khoản 2 Điều 9 Luật Đất đai 2024 thì đất nông nghiệp là nhóm đất bao gồm các loại đất sau:

    - Đất trồng cây hằng năm, gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác;

    - Đất trồng cây lâu năm;

    - Đất lâm nghiệp, gồm đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất;

    - Đất nuôi trồng thủy sản;

    - Đất chăn nuôi tập trung;

    - Đất làm muối;

    - Đất nông nghiệp khác

    Tại Điều 2 Nghị định 74-CP năm 1993 thì các loại đất nông nghiệp thuộc diện chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp bao gồm:

    - Đất trồng trọt là đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất trồng cỏ:

    + Đất trồng cây hàng năm là đất trồng các loại cây có thời gian sinh trưởng (từ khi trồng đến khi thu hoạch) không quá 365 ngày như lúa, ngô, rau, lạc... hoặc cây trồng một lần cho thu hoạch một vài năm nhưng không trải qua thời kỳ xây dựng cơ bản như mía, chuối, cói, gai, sả, dứa (thơm)..

    + Đất trồng cây lâu năm là đất trồng các loại cây có chu kỳ sinh trưởng trên 365 ngày, trồng một lần nhưng cho thu hoạch trong nhiều năm và phải trải qua một thời kỳ xây dựng cơ bản mới cho thu hoạch như cao su, chè, cà phê, cam, quýt, nhãn, cọ, dừa...

    + Đất trồng cỏ là đất đã có chủ sử dụng vào việc trồng cỏ để chăn nuôi gia súc.

    - Đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản là đất đã có chủ sử dụng chuyên nuôi trồng thuỷ sản hoặc vừa nuôi trồng thuỷ sản vừa trồng trọt, nhưng về cơ bản không sử dụng vào các mục đích khác.

    - Đất trồng là đất đã được trồng rừng và đã giao cho tổ chức, cá nhân quản lý, chăm sóc và khai thác, không bao gồm đất đồi núi trọc.

    Hộ gia đình di chuyển đến vùng kinh tế mới thì được miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp như thế nào?

    Miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp ( Hình từ Internet)

    Khi hộ gia đình di chuyển đến vùng kinh tế mới thì được miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp như thế nào?

    Căn cứ theo Điều 15 Nghị định 74-CP năm 1993 thì hộ gia đình di chuyển đến vùng kinh tế mới thì được miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cụ thể như sau:

    - Miễn thuế đối với đất được giao phải khai hoang để sản xuất nông nghiệp được miễn thuế theo Điều 14 Nghị định 74-CP năm 1993 và cộng thêm 2 năm:

    + Miễn thuế cho đất đồi núi trọc dùng vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất trồng rừng phòng hộ và rừng đặc dụng

    + Miễn thuế cho đất trồng cây lâu năm chuyển sang trồng lại mới và đất trồng cây hàng năm chuyển sang trồng cây lâu năm, cây ăn quả trong thời gian xây dựng cơ bản và cộng thêm 5 năm từ khi có thu hoạch.

    + Đất khai hoang là đất chưa bao giờ được dùng vào sản xuất hoặc đã bị bỏ hoang ít nhất 5 năm tính đến thời điểm khai hoang đưa vào sản xuất, nếu trồng cây hàng năm được miễn thuế 5 năm (trồng trên đất khai hoang ở miền núi, đầm lầy và lấn biển được miễn thuế 7 năm), nếu trồng cây lâu năm được miễn thuế trong thời gian xây dựng cơ bản và cộng thêm 3 năm kể từ khi bắt đầu có thu hoạch (trồng trên đất khai hoang ở miền núi, đầm lầy và lấn biển được cộng thêm 6 năm), nếu trồng các loại cây lâu năm thu hoạch một lần thì kể từ khi bắt đầu có thu hoạch mới phải nộp thuế bằng 4% giá trị sản lượng thu hoạch. Đất bãi bồi ven sông, ven biển, đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản dùng vào sản xuất được ngay, đất do đốt nương rẫy để sản xuất sẽ không được coi là đất khai hoang và không được miễn thuế.

    + Đất khai hoang bằng nguồn vốn cấp phát của Ngân sách Nhà nước dùng vào sản xuất nông nghiệp, nếu trồng cây hàng năm ở miền núi, đầm lầy và lấn biển được miễn thuế 5 năm, ở các nơi khác được miễn thuế 4 năm; nếu trồng cây lâu năm, kể cả trồng lại mới (trừ cây lấy gỗ) được miễn thuế trong thời gian xây dựng cơ bản và cộng thêm 1 năm (ở miền núi, đầm lầy và lấn biển được cộng thêm 2 năm).

    + Trường hợp hết thời hạn miễn thuế nói trên mà hộ nộp thuế còn khó khăn thì được xét giảm đến 50% số thuế phải nộp trong thời gian tiếp theo, nhưng toàn bộ thời gian được miễn và giảm thuế không quá thời gian quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định 74-CP năm 1993.

    - Đất được giao là đất đang sản xuất nông nghiệp, nếu dùng vào trồng cây hàng năm, thì miễn thuế 3 năm kể từ ngày nhận đất; nếu dùng vào trồng cây lâu năm được miễn thuế theo quy định tại Khoản 3 Điều 14 Nghị định 74-CP năm 1993 và cộng thêm 2 năm.

    Như vậy, khi hộ gia đình tiến hành di chuyển đến vùng kinh tế mới thì sẽ được miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp tại địa bàn vùng kinh tế mới đó tùy thuộc vào loại đất, mục đích sử dụng đất.

    Phân hạng đất để tính thuế sử dụng đất nông nghiệp dựa trên yếu tố nào?

    Theo Điều 5 Luật thuế Sử dụng Đất Nông nghiệp 1993 thì hạng đất là một trong các căn cứ để tính thuế sử dụng đất nông nghiệp.

    Đồng thời theo Điều 7 Nghị định 74-CP năm 1993 thì phân hạng đất tính thuế thực hiện theo quy định tại Nghị định 73-CP năm 1993.

    Từ đó, dẫn chiếu đến Điều 1 Nghị định 73-CP năm 1993 thì các yếu tố để phân hạng đất nhằm phục vụ cho việc tính thuế sử dụng đất bao gồm:

    - Yếu tố chất đất là độ phì của đất thích hợp với từng loại cây trồng; đối với đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản còn bao gồm độ muối và nguồn dinh dưỡng của nước.

    - Yếu tố vị trí của đất là khoảng cách so với nơi cư trú của người sử dụng đất, khoảng cách so với thị trường tiêu thụ nông sản phẩm theo từng trường hợp cụ thể.

    - Yếu tố địa hình của đất là độ bằng phẳng, độ dốc, độ trũng hoặc ngập úng của mảnh đất.

    - Yếu tố điều kiện khí hậu, thời tiết là nhiệt độ trung bình hàng năm và các tháng trong năm; lượng mưa trung bình hàng năm và các tháng trong năm; số tháng khô hạn trong năm; tần suất xuất hiện lũ, bão, sương muối, gió khô nóng trong năm và từng tháng; độ ẩm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng.

    - Yếu tố điều kiện tưới tiêu đối với đất trồng cây hàng năm là mức độ tưới tiêu chủ động; đối với đất trồng cây lâu năm là mức độ gần, xa nguồn nước hoặc không có nguồn nước và điều kiện thoát nước.

    saved-content
    unsaved-content
    27
    CÔNG TY TNHH THƯ VIỆN NHÀ ĐẤT