Hộ gia đình được phép tự thiết kế nhà ở riêng lẻ 2025?
Nội dung chính
Nhà ở riêng lẻ là gì?
Căn cứ khoản 1, 2 Điều 2 Luật Nhà ở 2023 giải thích nhà ở, nhà ở riêng lẻ như sau:
Nhà ở là công trình xây dựng với mục đích để ở và phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình, cá nhân. Nhà ở được sử dụng vào mục đích để ở và mục đích không phải để ở mà pháp luật không cấm là nhà ở có mục đích sử dụng hỗn hợp.
Nhà ở riêng lẻ là nhà ở được xây dựng trên thửa đất ở riêng biệt thuộc quyền sử dụng của tổ chức, cá nhân hoặc trên đất thuê, đất mượn của tổ chức, cá nhân. Nhà ở riêng lẻ gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập, được xây dựng với mục đích để ở hoặc mục đích sử dụng hỗn hợp.
Hộ gia đình được phép tự thiết kế nhà ở riêng lẻ 2025? (Hình ảnh từ Internet)
Quy định về thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình
Quy định về thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân theo khoản 2 Điều 9 Nghị định 06/2021/NĐ-CP như sau:
- Đối với nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân không có tầng hầm, có tổng diện tích sàn xây dựng nhỏ hơn 250 m2 hoặc dưới 3 tầng hoặc có chiều cao dưới 12m, chủ đầu tư xây dựng nhà ở riêng lẻ được tự tổ chức thực hiện thiết kế xây dựng công trình;
- Đối với nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân dưới 7 tầng hoặc có 01 tầng hầm, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 9 Nghị định 06/2021/NĐ-CP, việc thiết kế phải được tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật thực hiện;
- Đối với nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân từ 7 tầng trở lên hoặc có từ 02 tầng hầm trở lên, hồ sơ thiết kế phải được thẩm tra thiết kế xây dựng về nội dung an toàn công trình trước khi xin cấp giấy phép xây dựng. Việc thiết kế và thẩm tra thiết kế phải được tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật thực hiện.
Hộ gia đình được phép tự thiết kế nhà ở riêng lẻ 2025?
Căn cứ điểm b khoản 7 Điều 79 Luật Xây dựng 2014 thì hộ gia đình được tự thiết kế nhà ở riêng lẻ có tổng diện tích sàn xây dựng nhỏ hơn 250m2 hoặc dưới 3 tầng hoặc có chiều cao dưới 12 mét, phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng thiết kế, tác động của công trình xây dựng đến môi trường và an toàn của các công trình lân cận.
Như vậy, hộ gia đình được tự thiết kế nhà ở riêng lẻ có tổng diện tích sàn xây dựng nhỏ hơn 250m2 hoặc dưới 03 tầng hoặc có chiều cao dưới 12 mét.
Tuy nhiên, hộ gia đình phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng thiết kế, tác động của nhà ở đến môi trường và an toàn của các công trình lân cận.
Ngoài ra, thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ phải đáp ứng yêu cầu thiết kế tại khoản 3 Điều 79 Luật Xây dựng 2014, cụ thể:
- Tuân thủ tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật, quy định của pháp luật về sử dụng vật liệu xây dựng, đáp ứng yêu cầu về công năng sử dụng, công nghệ áp dụng (nếu có);
- Bảo đảm an toàn chịu lực, an toàn trong sử dụng, mỹ quan, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống cháy, nổ và điều kiện an toàn khác.
Cách xử lý nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình hết thời hạn sử dụng theo thiết kế
Theo khoản 8 Điều 41 Nghị định 06/2021/NĐ-CP thì đối với nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình cá nhân hết thời hạn sử dụng nhưng có nhu cầu sử dụng tiếp, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm thực hiện các công việc quy định tại điểm a, điểm b khoản 4 Điều 41 Nghị định 06/2021/NĐ-CP và căn cứ vào kết quả thực hiện các công việc này để tự quyết định và chịu trách nhiệm về việc tiếp tục sử dụng công trình, trừ các trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 41 Nghị định 06/2021/NĐ-CP:
+ Chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình không có nhu cầu sử dụng tiếp;
+ Kết quả kiểm tra, kiểm định để đánh giá chất lượng hiện trạng của công trình cho thấy công trình không đảm bảo an toàn, không thể gia cố, cải tạo, sửa chữa;
+ Công trình không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tiếp tục khai thác, sử dụng.