Sẽ bị hạn chế tham gia đấu giá ở lần sau nếu cố ý bỏ cọc khi tham gia đấu giá quyền sử dụng đất?
Nội dung chính
Trường hợp nào được thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai 2024?
Căn cứ khoản 1 Điều 125 Luật Đất đai 2024 Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê thông qua đấu giá quyền sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:
- Dự án đầu tư sử dụng đất từ quỹ đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý quy định tại khoản 1 Điều 217 Luật Đất đai 2024, trừ trường hợp giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất (Điều 124 Luật Đất đai 2024) và trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất (Điều 126 Luật Đất đai 2024);
- Giao đất ở cho cá nhân trừ trường hợp quy định tại Điều 124 Luật Đất đai 2024.
Ngoài ra, điều kiện để tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất bao gồm:
- Đất đã được thu hồi và hoàn thành bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoặc không phải bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; trong khu vực dự án có hạ tầng giao thông đã được kết nối;
- Có trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện đã được phê duyệt vào mục đích sử dụng để đấu giá quyền sử dụng đất, trừ trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với đất do Nhà nước thu hồi và giao cho tổ chức phát triển quỹ đất quản lý;
- Có quy hoạch chi tiết 1/500 được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức lập và phê duyệt đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở;
- Có phương án đấu giá quyền sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
(Theo khoản 2 Điều 125 Luật Đất đai 2024)
Sẽ bị hạn chế tham gia đấu giá quyền sử dụng đất ở lần sau nếu cố ý bỏ cọc khi tham gia đấu giá quyền sử dụng đất? (Hình từ Internet)
Mức tiền đặt cọc khi tham gia đấu giá quyền sử dụng đất tối đa là bao nhiêu?
Căn cứ Điều 39 Luật Đấu giá tài sản 2016 được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a khoản 24 Điều 1 Luật Đấu giá tài sản sửa đổi 2024 quy người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước.
Tiền đặt trước được gửi vào một tài khoản thanh toán riêng của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản mở tại ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
Tuy nhiên, người tham gia đấu giá, người có tài sản đấu giá và tổ chức hành nghề đấu giá tài sản có thể thỏa thuận thay thế tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng.
Tiền đặt trước do tổ chức hành nghề đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá, trừ trường hợp quy định tại khoản 1b Điều 1 Luật Đấu giá tài sản sửa đổi 2024 và các trường hợp sau đây:
- Trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản mà giá khởi điểm chưa xác định được bằng tiền thì tiền đặt trước được xác định theo quy định của pháp luật về khoáng sản; đối với đấu giá quyền khai thác khoáng sản mà giá khởi điểm xác định được bằng tiền thì tiền đặt trước tối thiểu là mười phần trăm và tối đa là hai mươi phần trăm giá khởi điểm;
- Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư thì tiền đặt trước tối thiểu là mười phần trăm và tối đa là hai mươi phần trăm giá khởi điểm;
- Trường hợp đấu giá quyền cho thuê tài sản mà giá khởi điểm được xác định theo đơn giá thuê hằng năm thì tiền đặt trước tối thiểu là năm phần trăm và tối đa là hai mươi phần trăm giá khởi điểm nhân với thời hạn cho thuê.
Như vậy, mức tiền đặt cọc khi tham gia đấu giá quyền sử dụng đất tối đa là 20% giá khởi điểm.
Cố ý bỏ cọc khi tham gia đấu giá quyền sử dụng đất sẽ bị hạn chế tham gia đấu giá ở lần sau?
Ngày 21 tháng 8 năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 82/CĐ-TTg năm 2024, chỉ đạo các địa phương khẩn trương chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất. Qua đó, công tác đấu giá đã đạt được những kết quả tích cực, từng bước đi vào nề nếp và góp phần quan trọng vào việc bổ sung nguồn thu cho ngân sách địa phương. Tuy nhiên, công tác này tại một số địa phương vẫn còn tồn tại những bất cập, như hiện tượng người tham gia đấu giá đưa ra mức giá cao bất thường, có dấu hiệu thao túng giá, thổi giá, hoặc thông đồng để trục lợi, làm méo mó thị trường. Những vấn đề này đang thu hút sự chú ý của dư luận và có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế, môi trường đầu tư, kinh doanh, cũng như thị trường bất động sản.
Tại Công điện 134/CĐ-TTg năm 2024, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Xây dựng và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Khẩn trương rà soát, hoàn thiện quy định của pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất, thực hiện chuyển đổi số trong công tác đấu giá tài sản (bao gồm cả đấu giá quyền sử dụng đất) để đảm bảo đầy đủ thông tin công khai, minh bạch, chặt chẽ, khoa học, tránh bị lợi dụng trong quá trình tham gia và thực hiện đấu giá tài sản, trong đó có đấu giá quyền sử dụng đất;
- Bổ sung chế tài xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đấu giá, nhất là các hành vi thông đồng, dìm giá, thổi giá, thao túng giá, lợi dụng đấu giá để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường;
- Bổ sung quy định điều kiện hạn chế cho phép tham gia đối với người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất mà trước đó đã có các hành vi vi phạm hoặc cố ý bỏ cọc nhằm trục lợi.
Như vậy, để đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật và tăng cường các chế tài xử lý vi phạm. Đặc biệt, việc bổ sung điều kiện hạn chế tham gia đấu giá đối với những trường hợp cố ý bỏ cọc khi tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững của thị trường bất động sản.