Hồ sơ khởi kiện tranh chấp đất đai tại Tòa năm 2025?
Nội dung chính
Tranh chấp đất đai là gì?
Theo khoản 47 Điều 3 Luật Đất đai 2024 thì tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.
Theo đó, quyền và nghĩa vụ chung của người sử dụng đất được quy định tại Điều 26 và Điều 31 Luật Đất đai 2024 và những quyền và nghĩa vụ cụ thể khác theo quy định Luật Đất đai 2024.
Ví dụ, Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất (Điều 27); Quyền đối với thửa đất liền kề (Điều 29), ...
Điều kiện khởi kiện tranh chấp đất đai mới nhất 2025?
Theo Luật Đất đai 2024, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì để khởi kiện tranh chấp đất đai tại Tòa án thì người khởi kiện phải đáp ứng đủ 04 điều kiện sau đây:
(i) Có quyền khởi kiện
Căn cứ Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, khi xảy ra tranh chấp đất đai thì các bên hoặc một trong các bên có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
(ii) Thuộc thẩm quyền của Tòa án
Căn cứ khoản 47 Điều 3 Luật Đất đai 2024 và khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP thì tranh chấp đất đai áp dụng quy định của pháp luật về đất đai để giải quyết là tranh chấp trong việc xác định ai là người có quyền sử dụng đất.
Căn cứ khoản 9 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân.
(iii) Tranh chấp chưa được giải quyết
Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì Tòa án chỉ thụ lý đơn khởi kiện tranh chấp đất đai nếu tranh chấp đó chưa được giải quyết, cụ thể:
- Tranh chấp đất đai chưa được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án;
- Tranh chấp đất đai chưa được giải quyết bằng quyết định đã có hiệu lực của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Trừ trường hợp yêu cầu đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu và theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại.
(iv) Phải được hòa giải tại UBND cấp xã
Tại khoản 2 Điều 235 Luật Đất đai 2024 quy định trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai (Tòa án và UBND cấp có thẩm quyền) thì các bên tranh chấp phải thực hiện hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp. (Đây là điểm mới so với Luật Đất đai 2013 (đã hết hiệu lực)).
Ngoài ra, căn cứ khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP thì đối với tranh chấp đất đai trong việc xác định ai là người có quyền sử dụng đất thì phải hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp nếu muốn khởi kiện tại Tòa án.
Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,... thì không cần hòa giải tại UBND cấp xã mà có thể nộp đơn khởi kiện luôn tại Tòa án.
Tuy nhiên, tại khoản 5 Điều 235 Luật Đất đai 2024 thì đối với địa bàn không thành lập đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc UBND cấp huyện thì không cần thực hiện hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp.
Hồ sơ khởi kiện tranh chấp đất đai tại tòa năm 2025? (Hình ảnh từ Internet)
Hồ sơ khởi kiện tranh chấp đất đai mới nhất 2025?
* Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
* Thành phần hồ sơ:
Căn cứ khoản 2 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, người khởi kiện cần chuẩn bị hồ sơ khởi kiện gồm các giấy tờ sau:
(1) Đơn khởi kiện (Nội dung đơn thực hiện theo khoản 4 Điều 189).
(2) Biên bản hòa giải không thành có chứng nhận của UBND cấp xã nơi có đất có chữ ký của các bên tranh chấp.
(3) Một số loại giấy tờ của người khởi kiện như: Căn cước công dân/Căn cước hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng hoặc giấy tờ tùy thân khác.
(4) Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.
Theo quy định pháp luật tố tụng dân sự ai khởi kiện vấn đề gì phải có tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện đó, nếu không Tòa án sẽ từ chối yêu cầu khởi kiện.