Ủy ban nhân dân xã không chịu hòa giải tranh chấp đất đai thì khởi kiện thế nào?
Nội dung chính
Có bắt buộc hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân xã trước khi khởi kiện tranh chấp đất đai không?
Tại khoản 47 Điều 3 Luật Đất đai 2024 quy định tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.
Tuy nhiên, nếu áp dụng quy định trên thì rất khó để xác định đâu là tranh chấp đất đai, bởi khái niệm này có phạm vi rất rộng, bao gồm nhiều dạng tranh chấp khác nhau trong quan hệ đất đai. Điều này dẫn đến khó khăn khi áp dụng pháp luật, đặc biệt trong việc xác định loại tranh chấp để khởi kiện.
Do đó, cần hiểu tranh chấp đất đai theo phạm vi hẹp hơn. Căn cứ theo khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP, tranh chấp đất đai là tranh chấp nhằm xác định ai có quyền sử dụng đất. Điều này giúp phân biệt rõ với các tranh chấp liên quan đến đất đai – vốn là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong các quan hệ dân sự liên quan đến đất đai, chẳng hạn như giao dịch, di sản thừa kế, hay tài sản chung là quyền sử dụng đất.
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 235 Luật Đất đai 2024, trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, các bên tranh chấp phải thực hiện hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.
Như vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên thì bắt buộc phải hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân xã trước khi khởi kiện tranh chấp đất đai.
Ủy ban nhân dân xã không chịu hòa giải tranh chấp đất đai thì khởi kiện thế nào? (Hình từ Internet)
Việc hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân xã trước khi khởi kiện tranh chấp đất đai được thực hiện ra sao?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 235 Luật Đất đai 2024, việc hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân xã trước khi khởi kiện tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:
(1) Sau khi nhận được đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải tranh chấp đất đai;
(2) Thành phần Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai bao gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã là Chủ tịch Hội đồng, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, công chức làm công tác địa chính, người sinh sống lâu năm biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất tranh chấp (nếu có). Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể mời đại diện tổ chức, cá nhân khác tham gia Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai;
(3) Việc hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai;
(4) Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên tham gia hòa giải và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp;
(5) Trường hợp hòa giải không thành mà một hoặc các bên tranh chấp không ký vào biên bản thì Chủ tịch Hội đồng, các thành viên tham gia hòa giải phải ký vào biên bản, đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã và gửi cho các bên tranh chấp.
Ủy ban nhân dân xã không chịu hòa giải tranh chấp đất đai thì khởi kiện thế nào?
Theo như phân tích ở nội dung trước, hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân xã là thủ tục bắt buộc trước khi khởi kiện tranh chấp đất đai.
Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP nêu rõ đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015.
Theo đó, nếu không thực hiện hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp thì sẽ không thể khởi kiện tranh chấp đất đai vì không có đủ điều kiện khởi kiện.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 237 Luật Đất đai 2024, người dân có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai.
Chính vì vậy, khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã từ chối tổ chức hòa giải tranh chấp đất đai thì người dân có thể thực hiện khiếu nại hành vi không chịu hòa giải tranh chấp đất đai của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã để bảo vệ quyền lợi của mình.
Sau khi cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành vi không tổ chức hòa giải của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, người dân phải thực hiện thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã nơi có đất tranh chấp. Trong trường hợp hòa giải không thành, người dân có quyền tiến hành khởi kiện tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật hiện hành.
Theo khoản 9 Điều 2 Luật Khiếu nại 2011, hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.
Quy trình khiếu nại lần đầu hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã được thực hiện theo quy định tại Điều 7 Luật Khiếu nại 2011 như sau:
Bước 1: Gửi đơn khiếu nại
Người khiếu nại gửi đơn khiếu nại và các tài liệu liên quan đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc trực tiếp đến khiếu nại tại cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu theo quy định tại Điều 8 Luật Khiếu nại 2011.
Cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với hành vi hành chình của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã được quy định tại Điều 17 Luật Khiếu nại 2011, cụ thể:
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với hành vi hành chính của mình.
Bước 2: Tiếp nhận và thụ lý đơn
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền, cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải:
- Thụ lý giải quyết khiếu nại nếu không rơi vào các trường hợp không được thụ lý giải quyết theo quy định tại Điều 11 Luật Khiếu nại 2011.
- Thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra cùng cấp.
- Nếu không thụ lý giải quyết, cơ quan có thẩm quyền phải nêu rõ lý do từ chối.
Bước 3: Xác minh nội dung khiếu nại
Theo Điều 29 Luật Khiếu nại 2011, sau khi thụ lý, cơ quan có thẩm quyền cần:
- Kiểm tra lại hành vi hành chính bị khiếu nại: Đánh giá tính đúng sai của hành vi đó.
- Tổ chức đối thoại (nếu cần thiết): Trong trường hợp kết quả xác minh khác với nội dung khiếu nại, cơ quan giải quyết khiếu nại cần tổ chức đối thoại giữa các bên liên quan. Việc đối thoại phải được lập thành biên bản, và kết quả đối thoại sẽ là một căn cứ quan trọng để giải quyết khiếu nại.
Bước 4: Ra quyết định giải quyết khiếu nại
Theo Điều 31 Luật Khiếu nại 2011, người giải quyết khiếu nại lần đầu phải ra quyết định giải quyết khiếu nại sau khi quá trình xác minh hoàn tất.
Thời gian ban hành quyết định: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại.
Gửi quyết định: Quyết định giải quyết khiếu nại phải được gửi đến người khiếu nại trong thời gian này.
*Lưu ý: căn cứ khoản 1 Điều 7 Luật Khiếu nại 2011, trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính 2015.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính 2015.