Loading

10:46 - 10/10/2024

Hỗ trợ 80 tỷ khắc phục thiệt hại do bão số 3 cho 4 địa phương theo Quyết định 1104/QĐ-TTg năm 2024

Ngày 06/10/2024, Chính phủ ban hành Quyết định 1104/QĐ-TTg năm 2024 về việc hỗ trợ khẩn cấp khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 cho các tỉnh: Sơn La, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Phú Thọ

Nội dung chính

    Ban hành Quyết định 1104/QĐ-TTg năm 2024

    Theo Quyết định 1104/QĐ-TTg năm 2024, xét đề nghị của Bộ Tài chính tại văn bản số 10329/BTC-NSNN ngày 28 tháng 9 năm 2024 về việc hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão. Chính phủ ban hành Quyết định 1104/QĐ-TTg năm 2024 về việc hỗ trợ khẩn cấp khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 cho các tỉnh: Sơn La, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Phú Thọ. Quyết định có hiệu lực từ 06/10/2024

    Hỗ trợ 80 tỷ khắc phục thiệt hại do bão số 3 cho 4 địa phương theo Quyết định 1104/QĐ-TTg năm 2024

    Hỗ trợ 80 tỷ khắc phục thiệt hại do bão số 3 cho 4 địa phương theo Quyết định 1104/QĐ-TTg năm 2024 (Ảnh từ Internet)

    Hỗ trợ 80 tỷ cho 4 địa phương để khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3

    Cụ thể, tại Quyết định 1104/QĐ-TTg năm 2024 nêu rõ, hỗ trợ 80 tỷ đồng (tám mươi tỷ đồng) từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024 cho 04 địa phương để thực hiện khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và ổn định đời sống người dân (gồm: Sơn La 20 tỷ đồng, Tuyên Quang 20 tỷ đồng, Lạng Sơn 20 tỷ đồng, Phú Thọ 20 tỷ đồng) như đề nghị của Bộ Tài chính tại văn bản số 10329/BTC-NSNN ngày 28 tháng 9 năm 2024. Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân các tỉnh: Sơn La, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Phú Thọ chịu trách nhiệm về các nội dung, số liệu báo cáo và đề xuất.

    Đồng thời, Ủy ban nhân dân các tỉnh: Sơn La, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Phú Thọ có trách nhiệm phân bổ cụ thể và sử dụng số kinh phí được bổ sung nêu trên bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan, đúng mục đích sử dụng, tiết kiệm, hiệu quả, không để thất thoát, lãng phí, tiêu cực; sử dụng nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ củng với nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để kịp thời khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra.

    Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương thực hiện nhiệm vụ được giao tại điểm a mục 2 phần II Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17 tháng 9 năm 2024 của Chính phủ.

    Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Sơn La, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Phú Thọ và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định 1104/QĐ-TTg năm 2024.

    Dự phòng ngân sách nhà nước là gì? Dự phòng ngân sách nhà nước được quy định như thế nào?

    Theo khoản 8 Điều 4 Luật Ngân sách nhà nước 2015 thì dự phòng ngân sách nhà nước là một khoản mục trong dự toán chi ngân sách chưa phân bổ đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định ở từng cấp ngân sách.

    Căn cứ Điều 7 Nghị định 163/2016/NĐ-CP thì dự phòng ngân sách nhà nước được quy định như sau:

    (1) Dự toán chi ngân sách trung ương và dự toán chi ngân sách các cấp chính quyền địa phương được bố trí khoản dự phòng từ 2% đến 4% tổng chi ngân sách mỗi cấp.

    (2) Dự phòng ngân sách nhà nước được sử dụng cho các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật Ngân sách nhà nước 2015.

    (3) Thẩm quyền quyết định sử dụng dự phòng ngân sách trung ương:

    - Đối với các khoản chi trên 03 tỷ đồng đối với mỗi nhiệm vụ phát sinh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định các khoản chi đầu tư phát triển và các khoản chi thuộc chức năng quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định các khoản chi còn lại. Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định mức chi không quá 03 tỷ đồng đối với mỗi nhiệm vụ phát sinh, định kỳ hằng quý tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ;

    - Căn cứ các chính sách, chế độ đã được cấp có thẩm quyền quyết định chi từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định chi, trừ các khoản chi quy định tại điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định 163/2016/NĐ-CP và tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện;

    - Hằng quý, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội việc sử dụng dự phòng ngân sách trung ương tại điểm a và điểm b khoản này, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

    (4) Trong quá trình tổ chức thực hiện ngân sách, khi phát sinh nhiệm vụ thuộc các nội dung chi của dự phòng ngân sách trung ương quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 163/2016/NĐ-CP, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương phải lập dự toán và thuyết minh chi tiết gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét quyết định theo thẩm quyền hoặc tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định bổ sung kinh phí cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện nhiệm vụ.

    (5) Thẩm quyền quyết định sử dụng dự phòng ngân sách các cấp ở địa phương thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 10 Luật Ngân sách nhà nước 2015.

    saved-content
    unsaved-content
    61