Loading


Khi cải tạo biệt thự cũ có được làm thay đổi nguyên trạng ban đầu không?

Phân loại nhà biệt thự theo quy định mới nhất. Khi cải tạo biệt thự cũ có được làm thay đổi nguyên trạng ban đầu không?

Nội dung chính

    Phân loại nhà biệt thự theo quy định mới nhất.

    Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 123 Luật Nhà ở 2023 về phân loại nhà biệt thự như sau:

    Quản lý, sử dụng nhà biệt thự
    1. Nhà biệt thự được phân thành 03 nhóm sau đây:
    a) Nhà biệt thự nhóm một là nhà biệt thự được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; nhà biệt thự có giá trị điển hình về kiến trúc, nhà cổ do hội đồng quy định tại khoản 2 Điều 122 của Luật này xác định và lập danh sách để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt;
    b) Nhà biệt thự nhóm hai là nhà biệt thự không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này nhưng có giá trị về nghệ thuật, kiến trúc, văn hóa, lịch sử do hội đồng quy định tại khoản 2 Điều 122 của Luật này xác định và lập danh sách để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt;
    c) Nhà biệt thự nhóm ba là nhà biệt thự không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.

    Theo đó, nhà biệt thự được phân chia làm 3 loại nhóm chính:

    - Nhóm 1: Nhà biệt thự được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, nhà biệt thự có giá trị điển hình về kiến trúc, nhà cổ do hội đồng xác định và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

    - Nhóm 2: Nhà biệt thự không thuộc nhóm 1 nhưng có giá trị về nghệ thuật, kiến trúc, văn hóa, lịch sử, do hội đồng xác định và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

    - Nhóm 3: Nhà biệt thự không thuộc nhóm 1 và nhóm 2.

    Khi cải tạo biệt thự cũ có được làm thay đổi nguyên trạng ban đầu không? Khi cải tạo biệt thự cũ có được làm thay đổi nguyên trạng ban đầu không? (Hình từ Internet)

    Khi cải tạo biệt thự cũ có được làm thay đổi nguyên trạng ban đầu không?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 3, 4 Điều 131 Luật Nhà ở 2023 về cải tạo biệt thự như sau:

    Cải tạo nhà ở
    3. Đối với nhà biệt thự quy định tại khoản 1 Điều 123 của Luật này thì việc cải tạo còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về kiến trúc, pháp luật về di sản văn hóa; trường hợp pháp luật quy định phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận trước khi cải tạo thì chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà ở phải thực hiện theo văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.
    4. Đối với nhà biệt thự là nhà ở cũ thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 123 của Luật này thì còn phải tuân thủ các quy định sau đây:
    a) Không được làm thay đổi nguyên trạng ban đầu của nhà biệt thự;
    b) Không được phá dỡ nếu nhà biệt thự chưa bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ theo kết luận kiểm định của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh; trường hợp phải phá dỡ để xây dựng lại thì phải theo đúng kiến trúc ban đầu, sử dụng đúng loại vật liệu, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao của nhà biệt thự;
    c) Không được tạo thêm kết cấu để làm tăng diện tích hoặc cơi nới, chiếm dụng không gian bên ngoài nhà biệt thự.

    Theo đó, đối với nhà biệt thự được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, nhà biệt thự có giá trị điển hình về kiến trúc, nhà cổ do hội đồng xác định và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và nhà biệt thự có giá trị về nghệ thuật, kiến trúc, văn hóa, lịch sử, do hội đồng xác định và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt thì khi cải tạo biệt thự không được làm thay đổi nguyên trạng ban đầu của nhà biệt thự.

    Khi cải tạo biệt thự thì chủ sở hữu có các quyền và nghĩa vụ gì?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Nhà ở 2023 về khái niệm nhà ở riêng lẻ như sau:

    Giải thích từ ngữ
    Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
    2. Nhà ở riêng lẻ là nhà ở được xây dựng trên thửa đất ở riêng biệt thuộc quyền sử dụng của tổ chức, cá nhân hoặc trên đất thuê, đất mượn của tổ chức, cá nhân, bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập, được xây dựng với mục đích để ở hoặc mục đích sử dụng hỗn hợp.

    Theo đó, nhà biệt thự cũng là 1 dạng của nhà ở riêng lẻ. Vì vậy mà chủ sở hữu nhà biệt thự khi cải tạo biệt thự sẽ có các quyền và nghĩa vụ như chủ sở hữu nhà ở.

    Khi cải tạo biệt thự thì chủ sở hữu có các quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều 135 Luật Nhà ở 2023 bao gồm:

    - Quyền của chủ sở hữu nhà ở:

    + Tự thực hiện hoặc thuê thực hiện việc bảo trì, cải tạo nhà ở. Nếu pháp luật yêu cầu, phải thuê tổ chức, cá nhân có năng lực thực hiện.

    + Yêu cầu cấp giấy phép xây dựng từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi việc cải tạo nhà ở cần có giấy phép xây dựng, đồng thời tạo điều kiện cho việc bảo trì, cải tạo khi đủ điều kiện theo quy định.

    + Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

    - Nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở:

    + Chấp hành quy định pháp luật về bảo trì, cải tạo nhà ở và tạo điều kiện cho các chủ sở hữu khác thực hiện bảo trì, cải tạo nhà ở của họ.

    + Bồi thường thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác trong trường hợp gây thiệt hại.

    + Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

    saved-content
    unsaved-content
    109