Người dân tự ý đào ao nuôi trồng thủy sản trên toàn bộ diện tích đất trồng lúa bị xử phạt như thế nào?
Nội dung chính
Người dân muốn đào ao nuôi trồng thủy sản trên toàn bộ diện tích đất trồng lúa cần làm gì?
Căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định 102/2024/NĐ-CP thì đất trồng lúa là loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp, sử dụng với mục đích trồng từ một vụ lúa trở lên hoặc trồng lúa kết hợp với các mục đích sử dụng đất khác được pháp luật cho phép nhưng trồng lúa là chính. Đất trồng lúa bao gồm đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa còn lại, trong đó đất chuyên trồng lúa là đất trồng từ 02 vụ lúa trở lên
Bên cạnh đó, căn cứ theo khoản 4 Điều 4 Nghị định 102/2024/NĐ-CP thì đất nuôi trồng thủy sản cũng là một loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp được sử dụng với mục đích nuôi, trồng thủy sản.
Theo đó, tại điểm a khoản 1 Điều 121 Luật Đất đai 2024 thì việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất nông nghiệp khác phải được cho phép bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Do đó, khi người dân muốn đào ao nuôi trồng thủy sản trên toàn bộ diện tích đất trồng lúa thì phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất nuôi trồng thủy sản.
Tự ý đào ao nuôi trồng thủy sản ( Hình từ Internet)
Tự ý đào ao nuôi trồng thủy sản trên toàn bộ diện tích đất trồng lúa bị xử phạt như thế nào?
Theo điểm a khoản 1 Điều 121 Luật Đất đai 2024, khi người dân sử dụng đất trồng lúa muốn chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất nuôi trồng thủy sản để đào ao nuôi trồng thủy sản thì phải thực hiện xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất.
Nếu người dân tự ý đào ao nuôi trồng thủy sản trên toàn bộ diện tích đất trồng lúa thì sẽ bị xử phạt theo khoản 1 và khoản 5 Điều 8 Nghị định 123/2024/NĐ-CP như sau:
(1) Phạt tiền: Mức phạt tiền khi người dân tự ý đào ao nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa sẽ được áp dụng theo diện tích đất trồng lúa vi phạm như sau:
- Đối với diện tích đất dưới 0,5ha thì mức phạt từ 2 triệu đến 3 triệu đồng.
- Đối với diện tích đất từ 0.5ha đến dưới 1ha thì mức phạt từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng.
- Đối với diện tích đất từ 1ha đến dưới 3ha thì mức phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
- Đối với diện tích đất từ 3ha trở lên thì mức phạt từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
(2) Biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi tự ý đào ao nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa:
- Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, trừ các trường hợp tại khoản 3 Điều 139 Luật Đất đai 2024:
+ Trường hợp người đang sử dụng đất ổn định, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch nông thôn thì được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính
+ Trường hợp không thuộc quy định tại điểm a khoản 3 Điều 139 Luật Đất đai 2024 thì người đang sử dụng đất được tạm thời sử dụng cho đến khi Nhà nước thu hồi đất, nhưng phải giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất và phải kê khai đăng ký đất đai
- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Như vậy, nếu người dân tự ý đào ao nuôi trồng thủy sản trên toàn bộ diện tích đất trồng lúa thì sẽ bị phạt tiền lên đến 30 triệu đồng và phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm cũng như phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Ủy ban nhân dân có thẩm quyền xử phạt hành vi tự ý đào ao nuôi trồng thủy sản trên toàn bộ diện tích đất trồng lúa như thế nào?
Căn cứ theo Điều 30 Nghị định 123/2024/NĐ-CP thì việc xử phạt đối với hành vi tự ý đào ao nuôi trồng thủy sản trên toàn bộ diện tích đất trồng lúa thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp được quy định như sau:
(1) Ủy ban nhân dân cấp xã: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền xử phạt như sau:
- Phạt cảnh cáo
- Phạt tiền đến 5 triệu đồng
- Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung, giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất
- Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của mốc địa giới đơn vị hành chính.
(2) Ủy ban nhân dân cấp huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xử phạt như sau:
- Phạt cảnh cáo
- Phạt tiền đến 100 triệu đồng
- Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung, giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất
- Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn;
- Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 123/2024/NĐ-CP.
(3) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xử phạt như sau:
- Phạt cảnh cáo
- Phạt tiền đến 500 triệu đồng
- Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung, giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất
- Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn;
- Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 123/2024/NĐ-CP.