Loading


Người không đăng ký đất đai thì bị xử phạt như thế nào? Nguyên tắc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất là gì?

Những hình phạt nào dành cho người không đăng ký đất đai? Những quy định cơ bản khi đăng ký đất đai là gì? Có những cách nào để nộp hồ sơ đăng ký đất đai?

Nội dung chính

    Người sử dụng đất có phải kê khai đăng ký đất đai theo pháp luật không?

    Căn cứ theo khoản 2 Điều 31 Luật Đất đai 2024 quy định về nghĩa vụ thực hiện kê khai đăng ký đất đai của người sử dụng đất, theo đó, người sử dụng đất phải kê khai đăng ký đất đai theo quy định của pháp luật.

    Người không đăng ký đất đai thì bị xử phạt như thế nào? Nguyên tắc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất là gì? (Hình từ Internet)

    Người không đăng ký đất đai thì bị xử phạt như thế nào?

    Căn cứ theo khoản 1, 2, 3 Điều 17 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định về hình thức và mức xử phạt về việc không đăng ký đất đai như sau:

    - Trường hợp không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu tại khu vực nông thôn mức xử phạt như sau:

    + Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Nghị định 91/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành;

    + Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày Nghị định 91/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành mà không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu.

    - Trường hợp không thực hiện đăng ký biến động đất đai theo quy định tại các điểm a, b, h, i, k và l khoản 4 Điều 95 Luật đất đai 2024 tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:

    + Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu trong thời gian 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 95 Luật đất đai 2024 mà không thực hiện đăng ký biến động;

    + Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 95 Luật đất đai 2024 mà không thực hiện đăng ký biến động.

    - Trường hợp không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu, không thực hiện đăng ký biến động đất đai tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt đối với từng trường hợp tương ứng.

    Lưu ý: Mức phạt tiền trên áp dụng đối với cá nhân, trường hợp tổ chức vi phạm thì căn cứ khoản 2 Điều 6 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính.

    Nguyên tắc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất là gì?

    Căn cứ theo Điều 131 Luật Đất đai 2024 quy định về nguyên tắc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất như sau:

    (1) Bắt buộc đăng ký đất đai với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý.

    (2) Tài sản gắn liền với đất là nhà ở, công trình xây dựng được đăng ký theo yêu cầu của chủ sở hữu.

    (3) Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất bao gồm đăng ký lần đầu và đăng ký biến động, được thực hiện bằng hình thức đăng ký trên giấy hoặc đăng ký điện tử và có giá trị pháp lý như nhau.

    (4) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người được giao đất để quản lý đã kê khai đăng ký được ghi vào hồ sơ địa chính và được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất nếu đủ điều kiện

    (5) Chính phủ quy định chi tiết việc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất.

    Các hình thức nộp hồ sơ đăng ký đất đai là gì?

    Căn cứ theo khoản 1 và khoản 2 Điều 21 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định về hình thức nộp hồ sơ đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất quy định như sau:

    Người yêu cầu đăng ký được lựa chọn nộp hồ sơ theo các hình thức sau đây:

    (1) Nộp trực tiếp tại các cơ quan gồm:

    - Bộ phận Một cửa theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã;

    - Văn phòng đăng ký đất đai;

    - Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

    (2) Nộp thông qua dịch vụ bưu chính;

    (3) Nộp tại địa điểm theo thỏa thuận giữa người yêu cầu đăng ký và Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai;

    (4) Nộp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công cấp tỉnh;

    (5) Khi nộp hồ sơ tại cơ quan tại (1) thì người yêu cầu đăng ký được lựa chọn nộp bản sao giấy tờ và xuất trình bản chính để cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra đối chiếu hoặc nộp bản chính giấy tờ hoặc nộp bản sao giấy tờ đã có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực, trừ trường hợp tại (6).

    - Trường hợp nộp hồ sơ theo hình thức trên Cổng dịch vụ công Quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công cấp tỉnh thì hồ sơ nộp phải được số hóa từ bản chính hoặc bản sao giấy tờ đã được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật;

    (6) Đối với thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất mà thực hiện xác nhận thay đổi trên Giấy chứng nhận đã cấp thì người yêu cầu đăng ký nộp bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.

    saved-content
    unsaved-content
    61