Loading


Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ tài chính đầy đủ sẽ đối mặt với trách nhiệm pháp lý như thế nào?

Người sử dụng đất không hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý ra sao? Trình tự, thủ tục thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai như thế nào?

Nội dung chính

    Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ tài chính đầy đủ sẽ đối mặt với trách nhiệm pháp lý như thế nào?

    Căn cứ tại khoản 6 Điều 81 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:

    Các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai
    6. Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.

    Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 30 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định về thu hồi đất đối với người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, cụ thể:

    Thu hồi đất đối với người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước thực hiện như sau:

    1. Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước quy định tại khoản 6 Điều 81 Luật Đất đai là trường hợp người sử dụng đất không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất mà đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cưỡng chế thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế nhưng không chấp hành thì cơ quan quản lý thuế có văn bản đề nghị thu hồi đất.

    ...

    Như vậy, theo khoản 6 Điều 81 Luật Đất đai 2024 và khoản 1 Điều 30 Nghị định 102/2024/NĐ-CP người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ tài chính đầy đủ đối với Nhà nước thì có khả năng bị thu hồi đất.

    Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ tài chính đầy đủ sẽ đối mặt với trách nhiệm pháp lý như thế nào?Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ tài chính đầy đủ sẽ đối mặt với trách nhiệm pháp lý như thế nào? (Nguồn ảnh internet)

    Trình tự, thủ tục thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai

    Căn cứ tại Điều 32 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai cụ thể như sau:

    Bước 1: Sau khi nhận được văn bản và tài liệu của cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định 102/2024/NĐ-CP, trong thời hạn 30 ngày cơ quan có chức năng quản lý đất đai lập hồ sơ thu hồi đất trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thu hồi đất. Hồ sơ gồm:

    + Tờ trình về việc thu hồi đất;

    + Dự thảo Quyết định thu hồi đất theo Mẫu số 01d tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

    + Các tài liệu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền chuyển đến quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định 102/2024/NĐ-CP

    Bước 2: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo thu hồi đất cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (nếu có). Người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có trách nhiệm xử lý tài sản trên đất theo thời hạn quy định tại thông báo thu hồi đất kể từ ngày nhận được thông báo thu hồi đất nhưng không quá 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 7 Điều 32 Nghị định 102/2024/NĐ-CP

    Bước 3: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn thông báo thu hồi đất quy định tại khoản 3 Điều 32 Nghị định 102/2024/NĐ-CP, Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền có trách nhiệm ban hành quyết định thu hồi đất và chỉ đạo việc tổ chức thực hiện quyết định thu hồi đất. Trường hợp người sử dụng đất không chấp hành thì bị cưỡng chế thi hành quyết định thu hồi đất.

    Người sử dụng đất bao gồm đối tượng nào? 

    Căn cứ tại Điều 4 Luật Đất đai 2024 quy định về người sử dụng đất như sau:

    Người sử dụng đất
    Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; đang sử dụng đất ổn định, đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà chưa được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; nhận quyền sử dụng đất; thuê lại đất theo quy định của Luật này, bao gồm:
    1. Tổ chức trong nước gồm:
    a) Cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, đơn vị vũ trang nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức khác theo quy định của pháp luật;
    b) Tổ chức kinh tế theo quy định của Luật Đầu tư, trừ trường hợp quy định tại khoản 7 Điều này (sau đây gọi là tổ chức kinh tế);
    2. Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc;
    3. Cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam (sau đây gọi là cá nhân);
    4. Cộng đồng dân cư;
    5. Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện khác của nước ngoài có chức năng ngoại giao được Chính phủ Việt Nam thừa nhận; cơ quan đại diện của tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ;
    6. Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài;
    7. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

    Như vậy, theo quy định pháp luật có 07 đối tượng là người sử dụng đất theo quy định tại Điều 4 Luật Đất đai 2024.

    saved-content
    unsaved-content
    148