Nguyên tắc xác định và quản lý chi phí dịch vụ sự nghiệp công từ ngày 15/02/2025
Nội dung chính
Nguyên tắc xác định và quản lý chi phí dịch vụ sự nghiệp công từ ngày 15/02/2025
Thông tư 12/2024/TT-BXD hướng dẫn phương pháp xác định và quản lý chi phí dịch vụ sự nghiệp công chiếu sáng đô thị, cây xanh đô thị có hiệu lực từ ngày 15/02/2025.
Trong đó, nguyên tắc xác định và quản lý chi phí dịch vụ sự nghiệp công theo quy định tại Điều 4 Thông tư 12/2024/TT-BXD như sau:
- Chi phí các dịch vụ sự nghiệp công phải được tính đúng, tính đủ phù hợp với quy trình kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí (nếu có), các tiêu chí, tiêu chuẩn về chất lượng dịch vụ được cơ quan có thẩm quyền ban hành và điều kiện thực tế của địa phương.
- Dự toán chi phí dịch vụ sự nghiệp công được xác định theo hướng dẫn tại Điều 5 Thông tư 12/2024/TT-BXD là cơ sở để thực hiện đấu thầu, đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.
- Việc quản lý chi phí dịch vụ sự nghiệp công phải tuân thủ các quy định về đấu thầu, đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công và các quy định pháp luật có liên quan.
Nguyên tắc xác định và quản lý chi phí dịch vụ sự nghiệp công từ ngày 15/02/2025 (Hình từ Internet)
Dự toán chi phí dịch vụ sự nghiệp công và phương pháp xác định
Dự toán chi phí dịch vụ sự nghiệp công và phương pháp xác định theo quy định tại Điều 5 Thông tư 12/2024/TT-BXD như sau:
(1 Dự toán chi phí dịch vụ sự nghiệp công gồm các khoản mục:
- Chi phí trực tiếp;
- Chi phí quản lý chung;
- Thu nhập chịu thuế tính trước;
- Thuế giá trị gia tăng (nếu có).
(2) Tổng hợp dự toán chi phí dịch vụ sự nghiệp công thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục số 1 kèm theo Thông tư 12/2024/TT-BXD.
(3) Phương pháp xác định các thành phần chi phí trong dự toán chi phí dịch vụ sự nghiệp công theo hướng dẫn tại Phụ lục số 2 kèm theo Thông tư 12/2024/TT-BXD và một số quy định cụ thể sau:
- Chi phí trực tiếp (CPTT) gồm: chi phí vật liệu, chi phí nhân công và chi phí sử dụng xe, máy và thiết bị thi công.
- Chi phí quản lý chung (C) bao gồm các chi phí có tính chất chung chi cho bộ máy quản lý, điều hành doanh nghiệp; các chi phí gián tiếp phục vụ cho công tác quản lý; chi phí phục vụ công nhân (bao gồm cả chi phí bảo hộ lao động, chi phí công cụ lao động; không bao gồm chi phí ăn ca đã tính trong chi phí nhân công trực tiếp); chi trả lãi vay vốn ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác; các khoản chi phí xã hội mà người sử dụng lao động phải nộp cho nhà nước (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp); các khoản phí, lệ phí; chi phí thuê tài sản, thuê mặt bằng nhà xưởng (nếu có); chi phí khấu hao, sửa chữa tài sản cố định phục vụ cho bộ máy quản lý điều hành doanh nghiệp, chi phí thuê kiểm toán của doanh nghiệp và các khoản chi khác có liên quan đến hoạt động chung của doanh nghiệp khi thực hiện cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.
Chi phí quản lý chung trong dự toán chi phí dịch vụ sự nghiệp công được xác định bằng định mức tỷ lệ phần trăm (%) nhân với chi phí nhân công trực tiếp hoặc chi phí ca xe, máy và thiết bị thi công. Định mức tỉ lệ chi phí quản lý chung do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định phải phù hợp với điều kiện thực tế thực hiện cung ứng dịch vụ của địa phương (tham khảo định mức tỷ lệ tại khoản 2, Mục I, Phụ lục số 2 kèm theo Thông tư 12/2024/TT-BXD).
- Thu nhập chịu thuế tính trước (TN) được tính trên chi phí trực tiếp và chi phí quản lý chung trong dự toán chi phí thực hiện dịch vụ sự nghiệp công (tham khảo định mức tỷ lệ tại khoản 3, Mục I, Phụ lục số 2 kèm theo Thông tư 12/2024/TT-BXD).
- Thuế giá trị gia tăng (T) (nếu có): Thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính. Đối với dịch vụ sự nghiệp công không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, được tính bổ sung thuế giá trị gia tăng của chi phí đầu vào.