Loading


Nhà nước giao đất để thực hiện dự án đầu tư có bắt buộc ký quỹ hay không?

Nhà nước giao đất để thực hiện dự án đầu tư có bắt buộc phải ký quỹ hay không? Nếu có thì mức tiền ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư là bao nhiêu?

Nội dung chính

    Nhà nước giao đất để thực hiện dự án có bắt buộc phải ký quỹ hay không? 

    Căn cứ khoản 1 Điều 25 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, trừ 04 trường hợp quy định dưới đây thì nhà đầu tư phải ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức tín dụng) về nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất.

    - Nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê;

    - Nhà đầu tư trúng đấu thầu thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất;

    - Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên cơ sở nhận chuyển nhượng dự án đầu tư đã thực hiện ký quỹ hoặc đã hoàn thành việc góp vốn, huy động vốn theo tiến độ quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

    - Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư trên cơ sở nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất khác.

    Theo đó, nếu không thuộc phạm vi ngoại lệ đã nêu trên hoặc đã được tổ chức tín dụng bảo lãnh về nghĩa vụ ký quỹ thì các nhà đầu tư phải thực hiện ký quỹ khi được Nhà nước giao đất để thực hiện dự án đầu tư. Mục đích của việc ký quỹ là nhằm đảm bảo chủ đầu tư thực hiện dự án đúng tiến độ đã được phê duyệt, góp phần bảo vệ quyền lợi của khách hàng.

    Nhà nước giao đất để thực hiện dự án đầu tư có bắt buộc ký quỹ hay không? (Hình từ Internet)

    Mức tiền ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất là bao nhiêu?

    Mức tiền ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất được xác định theo khoản 2 Điều 43 Luật Đầu tư 2020 và khoản 2 Điều 26 Nghị định 31/2021/NĐ-CP như sau:

    * Căn cứ vào quy mô, tính chất và tiến độ thực hiện của từng dự án đầu tư, mức ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư từ 01% đến 03% vốn đầu tư của dự án đầu tư, cụ thể:

    (1) Đối với phần vốn đến 300 tỷ đồng, mức bảo đảm là 03%;

    (2) Đối với phần vốn trên 300 tỷ đồng đến 1.000 tỷ đồng, mức bảo đảm là 02%;

    (3) Đối với phần vốn trên 1.000 tỷ đồng, mức bảo đảm là 01%.

    Trong đó, vốn đầu tư của dự án được xác định để làm căn cứ tính mức bảo đảm thực hiện dự án đầu tư không bao gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nộp cho nhà nước và chi phí xây dựng các công trình thuộc dự án đầu tư mà nhà đầu tư có nghĩa vụ bàn giao cho nhà nước quản lý sau khi hoàn thành (nếu có). 

    Trường hợp tại thời điểm ký kết Thỏa thuận bảo đảm thực hiện dự án đầu tư mà chưa xác định được chính xác các chi phí xây dựng các công trình bàn giao cho Nhà nước thì cơ quan đăng ký đầu tư căn cứ vào dự toán chi phí trong Đề xuất dự án do nhà đầu tư lập để xác định số tiền bảo đảm thực hiện dự án đầu tư.

    Ví dụ: một dự án có tổng vốn đầu tư là 1.500 tỷ đồng thì mức đảm bảo là

    - Phần vốn đến 300 tỷ đồng: 3% × 300 = 9 tỷ đồng.

    - Phần vốn từ 300 tỷ đến 1.000 tỷ đồng (700 tỷ đồng): 2% × 700 = 14 tỷ đồng.

    - Phần vốn từ 1.000 tỷ đồng trở lên (500 tỷ đồng): 1% × 500 = 5 tỷ đồng.

    Tổng tiền ký quỹ: 9 + 14 + 5 = 28 tỷ đồng.

    * Trường hợp dự án đầu tư gồm nhiều giai đoạn đầu tư thì số tiền ký quỹ được nộp và hoàn trả theo từng giai đoạn thực hiện dự án đầu tư, trừ trường hợp không được hoàn trả.

    Có thể thấy, mức tiền ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất là cơ chế quan trọng nhằm đảm bảo trách nhiệm và cam kết của nhà đầu tư đối với tiến độ và hiệu quả dự án. 

    Tiền ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất nộp ở đâu?

    Căn cứ khoản 8 Điều 26 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định thì tiền ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất được nộp vào tài khoản của cơ quan đăng ký đầu tư mở tại ngân hàng thương mại được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam, do nhà đầu tư lựa chọn; nhà đầu tư chịu chi phí liên quan đến việc mở, duy trì tài khoản bảo đảm thực hiện dự án và thực hiện các giao dịch liên quan đến tài khoản. 

    Trường hợp thực hiện nhiều dự án phải ký Thỏa thuận bảo đảm thực hiện dự án với cùng một cơ quan đăng ký đầu tư, nhà đầu tư có thể thỏa thuận với cơ quan đăng ký đầu tư về việc sử dụng cùng một tài khoản để tiếp nhận tiền bảo đảm nghĩa vụ thực hiện dự án đối với các dự án được thực hiện tại địa bàn do cơ quan đó quản lý.

    saved-content
    unsaved-content
    231