Quy định về tiêu chuẩn thiết kế văn phòng TCVN 4601 2012 cho công sở cơ quan hành chính Nhà nước
Nội dung chính
Nhà công sở cơ quan hành chính nhà nước là gì?
Theo tiểu mục 3.2 Mục 3 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4601:2012 về Công sở cơ quan hành chính nhà nước - Yêu cầu thiết kế, nhà công sở cơ quan hành chính nhà nước là nơi làm việc của các cơ quan nhà nước làm các công việc hành chính phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước.
TẢI VỀ Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4601:2012
Quy định về tiêu chuẩn thiết kế văn phòng (Hình từ Internet)
Tiêu chuẩn thiết kế văn phòng cho công sở cơ quan hành chính nhà nước như thế nào?
Theo tiểu mục 7.1 Mục 7 Tiêu chuẩn thiết kế văn phòng TCVN 4601:2012 về Công sở cơ quan hành chính nhà nước - Yêu cầu thiết kế, công sở cơ quan hành chính nhà nước bao gồm các bộ phận chức năng sau:
- Bộ phận làm việc;
- Bộ phận công cộng và kỹ thuật;
- Bộ phận phục vụ và phụ trợ.
CHÚ THÍCH: Trường hợp đặc biệt có thể bố trí các khu vực dịch vụ hành chính, dịch vụ công cộng và khu vực tham quan trong công sở. Khi thiết kế các bộ phận này phải theo các hướng dẫn riêng.
Trong đó, theo tiết 7.8.1 tiểu mục 7.8 Mục 7 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4601:2012 về Công sở cơ quan hành chính nhà nước - Yêu cầu thiết kế, văn phòng thuộc bộ phận công cộng và kỹ thuật của công sở cơ quan hành chính nhà nước.
Cụ thể, căn cứ tiết 7.8.4 tiểu mục 7.8 Mục 7 Tiêu chuẩn thiết kế văn phòng TCVN 4601:2012 về Công sở cơ quan hành chính nhà nước - Yêu cầu thiết kế, tiêu chuẩn thiết kế văn phòng được quy định như sau:
- Bộ phận văn phòng gồm phòng tiếp nhận và trả hồ sơ (bộ phận một cửa), bộ phận tiếp dân, văn thư đánh máy-hành chính-quản trị và phòng nhân sao tài liệu.
- Bộ phận một cửa (bộ phận hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả thực hiện tại một đầu mối) phải có diện tích đáp ứng yêu cầu của công việc. Diện tích không nhỏ hơn 48 m2, trong đó diện tích dành để bố trí nơi ngồi chờ giải quyết công việc không được nhỏ hơn 30 %.
Phòng tiếp nhận và trả hồ sơ của các cơ quan chuyên môn có diện tích tối thiểu là 24 m2.
- Phòng tiếp dân phải phù hợp với yêu cầu công tác của các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao nhưng không nhỏ hơn 18 m2.
- Phòng tiếp dân phải được bố trí ở vị trí thuận lợi cho việc tiếp đón và quản lý về trật tự, trị an, không làm ảnh hưởng tới hoạt động khác của cơ quan. Phòng tiếp dân phải có đủ diện tích và bàn ghế để phục vụ khách trong thời gian chờ đợi cũng như khi cán bộ, công chức gặp gỡ, làm việc.
- Nếu bố trí phòng tiếp dân phía ngoài khu làm việc, thì diện tích không nhỏ hơn 18 m2 tùy theo cấp công trình.
- Bộ phận văn thư đánh máy được bố trí ở vị trí phù hợp với yêu cầu sử dụng. Bộ phận văn thư đánh máy có thể kiêm luôn các công việc về hành chính. Đối với cơ quan hành chính nhà nước cấp Bộ và cấp Tỉnh không nhỏ hơn 24 m2, cấp huyện không nhỏ hơn 20 m2.
- Chỗ nhân sao tài liệu bằng máy photocopy, được tính 4 m2 cho một đầu máy (gồm nơi đặt máy, tủ đựng giấy và tài liệu, phụ kiện, quạt gió và nơi giao nhận).
Như vậy, việc thiết kế văn phòng cho công sở cơ quan hành chính Nhà nước được thực hiện theo tiêu chuẩn thiết kế văn phòng như trên.
Yêu cầu về phòng cháy và chống cháy đối với công sở cơ quan hành chính nhà nước được quy định thế nào?
Yêu cầu về phòng cháy và chống cháy đối với công sở cơ quan hành chính nhà nước được quy định tại Mục 8 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4601:2012 về Công sở cơ quan hành chính nhà nước - Yêu cầu thiết kế như sau:
- Thiết kế phòng chống cháy cho công sở cơ quan hành chính nhà nước phải tuân theo các qui định về an toàn cháy [2] và các quy định trong TCVN 2622.
- Trong công trình phải thiết kế ít nhất hai lối thoát ra ngoài. Các lối thoát phải bố trí phân tán.
- Khoảng cách giới hạn cho phép đi theo đường thoát nạn từ cửa ra vào của phòng xa nhất đến lối ra thoát nạn gần nhất (lối ra bên ngoài hoặc buồng thang bộ) phải phù hợp với quy định.
- Các hành lang dài hơn 60 m phải được phân chia bằng các vách ngăn cháy.
- Chiều rộng tổng cộng của cửa thoát nạn hay các lối thoát nạn ra ngoài phải tính theo số người ở tầng đông nhất (không kể tầng 1).
+ Nhà từ hai đến ba tầng: tính 0,8 m cho 100 người;
+ Nhà ba tầng trở lên: tính 1,0 m cho 100 người;
+ Phòng hội trường, phòng họp, câu lạc bộ: tính 0,55 m cho 100 người.
- Cần có các biển báo chỉ dẫn thông tin tại các vị trí cần thiết như: lối ra vào, lối thoát nạn, nơi có nguy cơ cháy, nổ, điện giật, nơi cấm lửa, khu vệ sinh, nơi đặt điện thoại, thiết bị liên lạc, thiết bị chống cháy.
- Không được phép thiết kế cầu thang xoáy ốc, bậc thang hình rẻ quạt trên lối thoát nạn. Trường hợp đặc biệt phải được sự thỏa thuận của cơ quan quản lí phòng cháy chữa cháy và cơ quan phê duyệt dự án.
- Buồng thang thoát nạn phải được chiếu sáng tự nhiên ít nhất là một phía. Chỉ cho phép bố trí buồng thang không có chiếu sáng tự nhiên khi có biện pháp bảo đảm không tụ khói ở mọi tầng khi có cháy.
- Kho lưu trữ, các kho phòng khác có liên quan đến vật liệu dễ cháy nổ, khi thiết kế phải bảo đảm đầy đủ những quy định an toàn cháy, nổ hiện hành.
- Cần bố trí bộ phận an ninh, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy gồm hệ thống camera quan sát, hệ thống điều khiển phòng cháy chữa cháy để phát hiện và xử lý kịp thời khi có sự cố.
Lưu ý - Không có quy định cụ thể về tiêu chuẩn văn phòng đối với các cơ sở ngoài nhà nước. - Tiêu chuẩn này áp dụng khi thiết kế mới, hoặc thiết kế cải tạo nâng cấp nhà công sở của các cơ quan hành chính nhà nước. - Tiêu chuẩn này chỉ đề cập đến công sở cơ quan hành chính nhà nước cấp Bộ, cấp Tỉnh và cấp Huyện. - Tiêu chuẩn này được tham khảo áp dụng khi thiết kế xây dựng nhà công sở của các cơ quan không sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước hoặc sử dụng nguồn vốn khác. Đối với các cơ quan nhà nước mang tính đặc thù cần có những quy định riêng được cấp có thẩm quyền cho phép để phù hợp nhu cầu sử dụng. |