14:58 - 07/11/2024

Quy hoạch Khánh Hòa 2024: Quy hoạch đô thị và lãnh thổ nông thôn thế nào?

Quy hoạch đô thị và lãnh thổ nông thôn thế nào trong Quy hoạch Khánh Hòa? Phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội trong Quy hoạch Khánh Hòa như thế nào?

Nội dung chính

    Quy hoạch đô thị và lãnh thổ nông thôn thế nào trong Quy hoạch Khánh Hòa?

    Căn cứ vào tiểu mục 1 Mục IV Điều 1 Quyết định 318/QĐ-TTg năm 2022 về Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì phương án quy hoạch hệ thống đô thị và tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn như sau:

    - Phương án quy hoạch hệ thống đô thị

    + Đến năm 2030, Khánh Hòa có 02 đô thị loại I (thành phố Nha Trang và đô thị mới Cam Lâm), 01 đô thị loại II (thành phố Cam Ranh), 01 đô thị loại III, 02 đô thị loại IV và các đô thị loại V. Trong đó, thành phố Nha Trang là đô thị hạt nhân; thành phố Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics; huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế; huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp; thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp, huyện Diên Khánh là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống; huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là các tiểu đô thị sinh thái núi rừng.

    - Phương án tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn

    + Phát triển các khu dân cư nông thôn trên cơ sở triệt để tận dụng các điểm dân cư hiện hữu, tiết kiệm và hạn chế tối đa sử dụng đất canh tác, cải tạo chỉnh trang kết hợp xây dựng mới, bảo vệ môi trường bền vững. Phát triển các điểm dân cư nông thôn gắn với vừng sản xuất, phù hợp phong tục tập quán, đặc điểm tự nhiên của từng vùng trong tỉnh. Bảo vệ các không gian cảnh quan, di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng và các không gian có giá trị trong vùng nông thôn.

    Xem thêm: Có lấy ý kiến của cộng đồng dân cư về quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh không? Cơ quan nào lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh?

    Quy hoạch Khánh Hòa 2024: Quy hoạch đô thị và lãnh thổ nông thôn thế nào?

    Quy hoạch Khánh Hòa 2024: Quy hoạch đô thị và lãnh thổ nông thôn thế nào? (Hình từ Internet)

    Quy hoạch Khánh Hòa về vùng liên huyện, vùng huyện ra sao?

    Căn cứ vào Mục VII Điều 1 Quyết định 318/QĐ-TTg năm 2022 về Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện như sau:

    (1) Phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện

    - Quy hoạch phân vùng không gian liên huyện của tỉnh thành 04 vùng, gồm:

    + Vùng phía Bắc: Gồm huyện Vạn Ninh, khu vực thị xã Ninh Hòa thuộc ranh giới của Khu kinh tế Vân Phong.

    + Vùng trung tâm: Gồm khu vực thành phố Nha Trang và phía Nam thị xã Ninh Hòa, huyện Diên Khánh.

    + Vùng phía Nam: Gồm thành phố Cam Ranh và đô thị Cam Lâm.

    + Vùng phía Tây: Gồm huyện Khánh Vĩnh, huyện Khánh Sơn, và khu vực phía Tây thị xã Ninh Hòa.

    (2) Phương án quy hoạch xây dựng các vùng huyện

    - Quy hoạch 08 vùng huyện đảm bảo phù hợp với mục tiêu định hướng phát triển tổng thể của tỉnh gồm: 02 thành phố (Nha Trang, Cam Ranh), 05 huyện (Vạn Ninh, Diên Khánh, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Lâm) và 01 thị xã (Ninh Hòa).

    Phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội trong Quy hoạch Khánh Hòa như thế nào?

    Căn cứ vào tiểu mục 3 Mục III Điều 1 Quyết định 318/QĐ-TTg năm 2022 về Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội trong Quy hoạch Khánh Hòa được chia thành các vùng động lực phát triển và vùng hành lang kinh tế như sau:

    (1) Vùng động lực phát triển

    - Khu vực vịnh Vân Phong:

    + Phát triển khu vực vịnh Vân Phong (Khu kinh tế Vân Phong) trở thành một trung tâm kinh tế biển hiện đại, địa bàn động lực phát triển của tỉnh Khánh Hòa nói riêng và khu vực Nam Trung Bộ nói chung. Phát triển khu vực Bắc Vân Phong trở thành đô thị du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế; định hướng lâu dài phát triển khu phi thuế quan và cảng trung chuyển quốc tế khi có đủ điều kiện. Khu vực Nam Vân Phong trở thành trung tâm công nghiệp gắn với cảng biển, là khu vực tập trung phát triển các khu công nghiệp, công nghiệp năng lượng tái tạo, chế biến dầu khí, đóng tàu, dịch vụ logistics, dịch vụ vận tải biển và các ngành công nghiệp phụ trợ,... cùng với các dự án khu đô thị, dịch vụ du lịch ven biển.

    - Thành phố Nha Trang:

    + Phát triển thành phố Nha Trang là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực; phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò một cực tăng trường quan trọng, cửa ngõ hội nhập quốc tế của tỉnh Khánh Hòa.

    - Khu vực vịnh Cam Ranh:

    + Phát triển khu vực vịnh Cam Ranh là vùng trọng điểm về kinh tế, xã hội gắn với quốc phòng, an ninh; trong đó phát triển thành phố Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics, huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế.

    (2) Các hành lang kinh tế

    - Hành lang kinh tế Bắc - Nam: Là một bộ phận của hành lang kinh tế Bắc - Nam của quốc gia. Đây là hành lang kinh tế chủ đạo của tỉnh Khánh Hòa, gắn với trục giao thông Bắc - Nam, kết nối 03 vùng động lực phát triển, kết nối chuỗi đô thị ven biển, các hạ tầng cửa ngõ như cảng biển, cảng hàng không...

    - Hành lang kinh tế Đông - Tây (trên cơ sở trục giao thông Quốc lộ 26, Quốc lộ 26B và Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột): Kết nối khu vực phát triển đô thị, các trung tâm dịch vụ, du lịch, sản xuất công nghiệp ven biển với khu vực nội địa của tỉnh; kết nối khu vực Nha Trang - Vân Phong với tỉnh Đắk Lắk.

    - Hành lang Nha Trang - Diên Khánh - Khánh Vĩnh (trên cơ sở Quốc lộ 27C và cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa) - Liên Khương (Lâm Đồng)): Tăng cường hiệu ứng lan tỏa phát triển từ thành phố Nha Trang; kết nối tổng hợp cả về đô thị, dịch vụ, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp; kết nối khu vực Nha Trang, Diên Khánh, Khánh Vĩnh với tỉnh Lâm Đồng.

    - Hành lang Cam Ranh - Cam Lâm - Khánh Sơn (trên cơ sở đường ĐT.656): Kết nối, lan tỏa phát triển từ khu vực ven biển, đồng bằng với trọng tâm là thành phố Cam Ranh và đô thị mới Cam Lâm với khu vực miền núi Khánh Sơn; kết nối về du lịch biển - đảo với du lịch sinh thái núi, rừng, văn hóa; kết nối giữa nông nghiệp - công nghiệp chế biến.

    saved-content
    unsaved-content
    114
    CÔNG TY TNHH THƯ VIỆN NHÀ ĐẤT