Loading


Sau công chứng hợp đồng mua bán đất bao lâu thì có sổ đỏ?

Công chứng hay chứng thực hợp đồng mua bán đất? Công chứng hợp đồng mua bán đất ở đâu? Sau công chứng hợp đồng mua bán đất bao lâu thì có sổ đỏ?

Nội dung chính

    Công chứng hay chứng thực hợp đồng mua bán đất?

    Tại Điều 500 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hợp đồng về quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó người sử dụng đất chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất hoặc thực hiện quyền khác theo quy định của Luật đất đai cho bên kia; bên kia thực hiện quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng với người sử dụng đất.

    Căn cứ vào quy định trên thì có thể hiểu hợp đồng mua bán đất là sự thỏa thuận giữa người sử dụng đất (bên bán) và bên nhận quyền sử dụng đất (bên mua), theo đó bên bán thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bên mua, đồng thời bên mua thực hiện các nghĩa vụ tài chính và các quyền, nghĩa vụ khác được ghi nhận trong hợp đồng với bên bán.

    Theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều 27 Luật Đất đai 2024, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp một bên hoặc các bên tham gia giao dịch mua bán đất là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản thì được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên.

    Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên, các bên trong giao dịch mua bán đất có thể lựa chọn công chứng hoặc chứng thực hợp đồng mua bán đất để đảm bảo giá trị pháp lý. Trường hợp một bên hoặc các bên tham gia giao dịch mua bán đất là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản thì có thể lựa chọn công chứng hoặc chứng thực hoặc không thực hiện công chứng, chứng thực.

    Sau công chứng hợp đồng mua bán đất bao lâu thì có sổ đỏ?

    Sau công chứng hợp đồng mua bán đất bao lâu thì có sổ đỏ? (Hình từ Internet)

    Công chứng hợp đồng mua bán đất ở đâu?

    Tại Điều 42 Luật Công chứng 2014 có quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản.

    Bên cạnh đó, Điều 44 Luật Công chứng 2014 nêu rõ việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trừ trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng thì có thể thực hiện công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.

    Căn cứ vào các quy định nêu trên thì việc công chứng hợp đồng mua bán đất sẽ được hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng nằm trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có đất, trường hợp người yêu cầu công chứng hợp đồng mua bán đất không thể đến trụ sở do già yếu, bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác, việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.

    Sau công chứng hợp đồng mua bán đất bao lâu thì có Sổ đỏ?

    Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 và khoản 3 Điều 133 Luật Đất đai 2024, mua bán đất bắt buộc phải thực hiện đăng ký biến động trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày công chứng hợp đồng mua bán đất (ngày có biến động).

    Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, thời gian thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai và cấp Sổ đỏ trong trường hợp mua bán đất là không quá 10 ngày làm việc.

    Như vậy, sau khi công chứng hợp đồng mua bán đất, người mua phải thực hiện đăng ký biến động đất đai trong vòng 30 ngày. Sau khi nộp hồ sơ đăng ký biến động, thời gian cấp sổ đỏ là không quá 10 ngày làm việc theo quy định pháp luật.

    Lưu ý:

    Thời gian 10 ngày làm việc nêu trên được tính kể từ ngày nhận được hồ sơ đã đảm bảo tính đầy đủ, thống nhất theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 19 Nghị định 101/2024/NĐ-CP; không tính thời gian cơ quan có thẩm quyền xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất, thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định, thời gian niêm yết công khai, đăng tin trên phương tiện thông tin đại chúng, thời gian thực hiện thủ tục chia thừa kế quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp thực hiện thủ tục cấp Sổ đỏ mà người mua đất chết trước khi trao Sổ đỏ.

    Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian cấp sổ đỏ có thể tăng thêm tối đa 10 ngày làm việc.

    (Căn cứ khoản 10 Điều 22 Nghị định 101/2024/NĐ-CP)

    saved-content
    unsaved-content
    103