Loading


Sử dụng đất đối với người dân tộc thiểu số hiện nay được quy định như thế nào?

Các chính sách đất đai nhằm hỗ trợ người dân tộc thiểu số hiện nay là gì? Kinh phí hỗ trợ đất đai cho người dân tộc thiểu số lấy từ đâu? Trách nhiệm của cơ quan nhà nước là gì?

Nội dung chính

    Các chính sách đất đai nhằm hỗ trợ người dân tộc thiểu số hiện nay là gì?

    Hiện nay, Nhà nước đang chú trọng phát triển, cải thiện đời sống cho cộng đồng các dân tộc thiểu số trên cả nước. Việc hỗ trợ, thúc đẩy phát triển cho người dân tộc thiểu số nhằm thúc đẩy sự phát triển đất nước, hướng đến tương lai vững mạnh. Trong số những cách thức hỗ trợ từ nhà nước dành cho các dân tộc thiểu số thì việc hỗ trợ thông qua các chính sách về đất đai là phổ biến và mang giá trị thực tiễn to lớn.

    Theo khoản 2,3 Điều 16 Luật Đất đai 2024 thì nhà nước đang có các chính sách hỗ trợ được phân chia theo hai dạng là hỗ trợ lần đầu và hỗ trợ lần hai như sau:

    - Về hỗ trợ lần đầu cho cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được quy định bao gồm:

    + Giao đất ở trong hạn mức và được miễn, giảm tiền sử dụng đất;

    + Cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở trong hạn mức giao đất ở và được miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với đất có nguồn gốc được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận hoặc được thừa kế, tặng cho, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật;

    + Giao đất nông nghiệp trong hạn mức không thu tiền sử dụng đất;

    + Cho thuê đất phi nông nghiệp không phải là đất ở để sản xuất, kinh doanh và được miễn, giảm tiền thuê đất;

    - Về hỗ trợ lần hai thì sẽ được áp dụng cho cá nhân là người dân tộc thiểu số đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Đất đai 2024 nhưng nay không còn đất hoặc thiếu đất so với hạn mức mà thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như sau:

    + Trường hợp không còn đất ở thì được giao tiếp đất ở, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở trong hạn mức giao đất ở và được miễn, giảm tiền sử dụng đất. Trường hợp thiếu đất ở thì cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở trong hạn mức giao đất ở và được miễn, giảm tiền sử dụng đất;

    + Trường hợp không còn hoặc thiếu đất nông nghiệp thì được giao tiếp đất nông nghiệp trong hạn mức không thu tiền hoặc cho thuê đất phi nông nghiệp không phải là đất ở để sản xuất, kinh doanh và được miễn, giảm tiền thuê đất.

    Đồng thời tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định hướng dẫn việc hỗ trợ lần 2 đối với người dân tộc thiểu số theo khoản 3 Điều 16 Luật Đất đai 2024 như sau:

    + Đối với trường hợp không còn đất ở thì được giao đất ở hoặc được chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất khác sang đất ở; người sử dụng đất được miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích trong hạn mức giao đất ở theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

    + Trường hợp thiếu đất ở so với hạn mức giao đất ở thì được chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất khác sang đất ở và được miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích trong hạn mức giao đất ở;

    + Đối với trường hợp không còn đất nông nghiệp hoặc diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng không đủ 50% diện tích đất so với hạn mức giao đất nông nghiệp của địa phương thì được giao tiếp đất nông nghiệp trong hạn mức.

    Sử dụng đất đối với người dân tộc thiểu số hiện nay được quy định như thế nào?

    Sử dụng đất đối với người dân tộc thiểu số hiện nay được quy định như thế nào?(Hình Internet)

    Kinh phí hỗ trợ đất đai cho người dân tộc thiểu số lấy từ đâu?

    Căn cứ khoản 4 Điều 16 Luật Đất đai 2024 quy định kinh phí về nguồn đất để hỗ trợ đất đai cho người dân tộc thiểu số được bố trí từ quỹ đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý hoặc từ quỹ đất thu hồi theo quy định tại khoản 29 Điều 79 Luật Đất đai 2024.

    Theo quy định tại khoản 8 Điều 16 Luật Đất đai 2024 thì kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thu hồi đất theo quy định tại khoản 29 Điều 79 Luật Đất đai 2024 ; kinh phí đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và các chi phí khác để thực hiện chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số được bố trí từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

    Trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc hỗ trợ đất đai cho người dân tộc thiểu số là gì?

    Theo khoản 2 Điều 8 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc hỗ trợ đất đai đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số như sau:

    - Ủy ban nhân dân cấp xã rà soát và lập danh sách các trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 16 Luật Đất đai 2024 báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện trước ngày 15 tháng 10 hằng năm;

    - Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức đo đạc, xác định diện tích và thu hồi đất đối với các trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 16 Luật Đất đai 2024, gồm các trường hợp vi phạm chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, các trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Luật Đất đai 2024 mà không còn nhu cầu sử dụng đất;

    - Ủy ban nhân dân cấp huyện lập phương án hỗ trợ đất đai đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số trên cơ sở quỹ đất quy định tại khoản 4 Điều 16 Luật Đất đai 2024. Nội dung phương án phải nêu rõ các trường hợp được hỗ trợ, diện tích hỗ trợ, hình thức hỗ trợ đất đai đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số;

    - Ủy ban nhân dân cấp huyện trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định diện tích giao đất, cho thuê đất để thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số phù hợp với tình hình thực tế và quỹ đất của địa phương theo quy định tại khoản 5 Điều 16 Luật Đất đai 2024.

    saved-content
    unsaved-content
    58