Tặng cho đất đai bằng giấy viết tay có giá trị pháp lý không? Con riêng có được hưởng thừa kế đất khi không có di chúc và người mất đã tặng cho đất bằng giấy viết tay?
Nội dung chính
Tặng cho đất đai bằng giấy viết tay có giá trị pháp lý không?
Căn cứ khoản 1 Điều 459 Bộ luật Dân sự 2015, tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật.
Đồng thời theo điểm a khoản 3 Điều 27 Luật Đất đai 2024 cũng quy định hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực.
Một giao dịch tặng cho đất đai được công nhận nếu đáp ứng các yêu cầu trên. Việc sử dụng giấy viết tay, không công chứng hoặc chứng thực, không được pháp luật thừa nhận.
Theo đó hợp đồng tặng cho đất phải được thành lập bằng văn bản và công chứng hoặc chứng thực. Như vậy, việc tặng cho đất đai bằng giấy viết tay sẽ không có giá trị pháp lý.
Con riêng của người mất có quyền yêu cầu chia lại di sản đất đai khi người mất không để lại di chúc không? (Hình từ Internet)
Con riêng có được hưởng thừa kế đất trong trường hợp không có di chúc và người mất đã tặng cho đất bằng giấy viết tay không?
Về quyền thừa nhận cha mẹ của con riêng theo khoản 1 Điều 90 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, con có quyền yêu cầu xác nhận cha hoặc mẹ của mình ngay cả khi cha hoặc mẹ đã mất. Điều này là cơ sở pháp lý để con riêng được công nhận mối quan hệ huyết thống theo quy định của pháp luật.
Điểm a khoản 1 Điều 650 Bộ luật dân sự 2015 quy định rằng thừa kế theo pháp luật áp dụng khi người để lại di sản không để lại di chúc. Trong trường hợp này, tài sản của người mất sẽ được chia theo quy định thừa kế pháp luật.
Theo điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015, con đẻ (bao gồm cả con riêng được pháp luật công nhận) thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Điều này có nghĩa là con riêng có quyền thừa kế ngang bằng với các con chung của người mất và những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất khác như cha mẹ ruột, vợ hoặc chồng còn sống.
Trường hợp đã phân chia di sản mà xuất hiện người thừa kế mới thì không thực hiện việc phân chia lại di sản bằng hiện vật, nhưng những người thừa kế đã nhận di sản phải thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm chia thừa kế theo tỷ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác (khoản 1 Điều 662 Bộ luật Dân sự 2015).
Pháp luật không quy định trường hợp con ruột là con riêng thì phải được nhận trước hay sau người để lại di sản mất.
Như đã phân tích, việc tặng cho đất đai bằng giấy viết tay sẽ không có giá trị pháp lý nên con riêng nhận cha sau khi cha mất và vẫn được hưởng thừa kế, tuy nhiên sẽ không thực hiện việc phân chia lại quyền sử dụng đất mà người con riêng chỉ được nhận khoản tiền tương ứng với phần di sản đất đai mà mình được hưởng.
Không để lại di chúc thì đất đai được chia như thế nào?
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 656 Bộ luật Dân sự 2015 quy định sau khi có thông báo về việc mở thừa kế, những người thừa kế có thể họp mặt để thỏa thuận cách thức phân chia di sản.
Căn cứ khoản 2 Điều 660 Bộ luật dân sự 2015 quy định những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia.
Căn cứ khoản 1 Điều 662 Bộ luật dân sự 2015 quy định trường hợp đã phân chia di sản mà xuất hiện người thừa kế mới thì không thực hiện việc phân chia lại di sản bằng hiện vật, nhưng những người thừa kế đã nhận di sản phải thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm chia thừa kế theo tỷ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Như đã phân tích ở trên, việc người mất không để lại di chúc thì di sản họ để lại sẽ được chia theo pháp luật cho những người thừa kế. Cụ thể, những người thừa kế có thể thỏa thuận với nhau việc ai là người thừa kế quyền sử dụng đất. Nếu không thỏa thuận được thì đất đai sẽ được bán để chia theo giá trị.