Thanh tra chuyên ngành đất đai là gì? Đâu là căn cứ để kiểm tra chuyên ngành đất đai?
Nội dung chính
Thanh tra chuyên ngành đất đai là gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 234 Luật Đất đai 2024, theo đó, thanh tra chuyên ngành đất đai là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về đất đai, quy định về chuyên môn, kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc lĩnh vực đất đai.
Thanh tra chuyên ngành đất đai là gì? Đâu là căn cứ để kiểm tra chuyên ngành đất đai? (Hình từ Internet)
Đâu là căn cứ để kiểm tra chuyên ngành đất đai?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 103 Nghị định 102/2024/NĐ-CP:
Căn cứ, thẩm quyền, trách nhiệm, nội dung và hình thức kiểm tra chuyên ngành đất đai
1. Căn cứ kiểm tra
a) Kế hoạch kiểm tra định kỳ hằng năm;
b) Chỉ đạo của cơ quan, người có thẩm quyền quản lý nhà nước về đất đai;
c) Thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng về các vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai;
d) Khi phát hiện có hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức trong quản lý đất đai khi thi hành công vụ.
Theo đó, căn cứ để thực hiện kiểm tra chuyên ngành đất đaibao gồm các yếu tố sau:
- Kế hoạch kiểm tra định kỳ hàng năm: Đây là căn cứ quan trọng để tiến hành kiểm tra theo một lịch trình xác định trước, nhằm đảm bảo việc giám sát và đánh giá thường xuyên các hoạt động quản lý, sử dụng đất đai.
- Chỉ đạo của cơ quan hoặc người có thẩm quyền quản lý nhà nước về đất đai: Kiểm tra có thể được tiến hành khi có sự chỉ đạo từ các cơ quan chức năng hoặc những người có thẩm quyền trong lĩnh vực đất đai, đảm bảo tuân thủ pháp luật và các chính sách về quản lý đất đai.
- Thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng: Khi nhận được các phản ánh hoặc kiến nghị từ cộng đồng, các tổ chức hay cá nhân liên quan, hoặc khi có thông tin được công khai trên các phương tiện truyền thông, cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra để làm rõ và xử lý các vi phạm (nếu có).
- Khi phát hiện hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức trong quản lý đất đai: Nếu có dấu hiệu vi phạm trong quá trình thực thi công vụ của các cán bộ, công chức, viên chức trong lĩnh vực quản lý đất đai, cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra để xác minh và xử lý vi phạm.
Những căn cứ này giúp cơ quan quản lý nhà nước về đất đai thực hiện công tác kiểm tra một cách hiệu quả, đảm bảo tính minh bạch và pháp lý trong việc quản lý và sử dụng tài nguyên đất đai.
Cơ quan nào có thẩm quyền ban hành kế hoạch kiểm tra, quyết định kiểm tra?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 103 Nghị định 102/2024/NĐ-CP:
Căn cứ, thẩm quyền, trách nhiệm, nội dung và hình thức kiểm tra chuyên ngành đất đai
...
2. Thẩm quyền ban hành kế hoạch kiểm tra, quyết định kiểm tra và trách nhiệm thực hiện
a) Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ trưởng cơ quan có chức năng quản lý chuyên ngành về đất đai trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành kế hoạch kiểm tra, quyết định kiểm tra đối với lĩnh vực đất đai trên phạm vi cả nước.
Ủy ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng cơ quan có chức năng quản lý đất đai trực thuộc Ủy ban nhân dân các cấp ban hành kế hoạch kiểm tra, quyết định kiểm tra đối với lĩnh vực đất đai trên phạm vi địa bàn quản lý;
b) Bộ Tài nguyên và Môi trường và cơ quan có chức năng quản lý chuyên ngành về đất đai trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh, cấp huyện; cán bộ, công chức, viên chức thực hiện chức năng quản lý đất đai chịu trách nhiệm thực hiện việc kiểm tra chuyên ngành đất đai;
c) Trưởng đoàn kiểm tra, Tổ trưởng tổ kiểm tra, người được giao nhiệm vụ kiểm tra công bố quyết định kiểm tra hoặc văn bản cử người kiểm tra; tổ chức thực hiện việc kiểm tra theo đúng nội dung của quyết định kiểm tra; phân công công việc cụ thể cho thành viên Đoàn kiểm tra, Tổ kiểm tra; chịu trách nhiệm trước người đã ban hành quyết định kiểm tra, văn bản cử người kiểm tra và trước pháp luật về hoạt động kiểm tra; thực hiện đúng thẩm quyền của trưởng Đoàn kiểm tra, Tổ trưởng tổ kiểm tra, công chức, viên chức đang thi hành công vụ theo quy định của pháp luật.
Thành viên Đoàn kiểm tra, Tổ kiểm tra có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ kiểm tra theo sự phân công, điều hành của Trưởng đoàn kiểm tra, Tổ trưởng tổ kiểm tra theo đúng nội dung của quyết định kiểm tra; đề xuất với Trưởng đoàn kiểm tra, Tổ trưởng tổ kiểm tra thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo đảm hoạt động kiểm tra có hiệu quả, đúng pháp luật.
Như vậy, các cơ quan có thẩm quyền ban hành kế hoạch kiểm tra và quyết định kiểm tra trong lĩnh vực đất đai bao gồm:
- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Thủ trưởng cơ quan có chức năng quản lý chuyên ngành về đất đai trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường có thẩm quyền ban hành kế hoạch và quyết định kiểm tra đối với lĩnh vực đất đai trên phạm vi cả nước.
- Ủy ban nhân dân các cấp và Thủ trưởng cơ quan có chức năng quản lý đất đai trực thuộc Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền ban hành kế hoạch kiểm tra và quyết định kiểm tra đối với lĩnh vực đất đai trên phạm vi địa bàn quản lý.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan có chức năng quản lý chuyên ngành về đất đai trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh và cấp huyện sẽ thực hiện việc kiểm tra chuyên ngành đất đai.
Các cơ quan này chịu trách nhiệm thực hiện các quyết định kiểm tra đã được ban hành, đảm bảo hoạt động kiểm tra được thực hiện theo đúng thẩm quyền và các quy định pháp luật hiện hành. Cụ thể, Trưởng đoàn kiểm tra hoặc Tổ trưởng tổ kiểm tra có nhiệm vụ công bố quyết định kiểm tra, phân công công việc cho các thành viên và thực hiện kiểm tra theo đúng nội dung quyết định. Các thành viên đoàn kiểm tra sẽ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra dưới sự điều hành của Trưởng đoàn hoặc Tổ trưởng và có trách nhiệm đề xuất các biện pháp để bảo đảm hoạt động kiểm tra hiệu quả và tuân thủ pháp luật.