Thế chấp tài sản gắn liền với đất nhưng không thế chấp đất có được không?
Nội dung chính
Tài sản gắn liền với đất có được xem là tài sản bảo đảm để đi thế chấp không?
Theo khoản 4 Điều 3 Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định tài sản gắn liền với đất bao gồm nhà ở, công trình xây dựng thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở; nhà ở riêng lẻ theo quy định của Luật Nhà ở; công trình xây dựng khác; cây lâu năm, rừng sản xuất là rừng trồng hoặc vật khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật. Và tài sản gắn liền với đất là tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (tài sản bảo đảm) theo Điều 8 Nghị định 21/2021/NĐ-CP.
Ngoài ra, Điều 10 Nghị định 21/2021/NĐ-CP cũng quy định việc dùng quyền sử dụng đất để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ có thể không đồng thời với tài sản gắn liền với đất, dùng tài sản gắn liền với đất để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ có thể không đồng thời với quyền sử dụng đất.
Trường hợp tài sản gắn liền với đất là tài sản pháp luật không quy định phải đăng ký và cũng chưa được đăng ký theo yêu cầu mà chủ sở hữu và bên nhận bảo đảm thỏa thuận dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì quyền, nghĩa vụ của các bên được thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm.
Trường hợp tài sản gắn liền với đất là cây hằng năm theo quy định của Luật Trồng trọt, công trình tạm theo quy định của Luật Xây dựng mà chủ sở hữu và bên nhận bảo đảm thỏa thuận dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì áp dụng theo quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng động sản không phải là tàu bay, tàu biển.
Trường hợp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đang là bất động sản hưởng quyền bất động sản liền kề được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì quyền đối với bất động sản liền kề vẫn có hiệu lực với mọi cá nhân, pháp nhân.
Thế chấp tài sản gắn liền với đất nhưng không thế chấp đất có được không? (Hình từ Internet)
Thế chấp tài sản gắn liền với đất nhưng không thế chấp đất có được không?
Theo quy định pháp luật hiện hành, việc thế chấp tài sản gắn liền với đất mà không thế chấp quyền sử dụng đất sẽ tùy trường hợp mà có hướng xử lý tài sản thế chấp khác nhau theo Điều 326 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
- Trường hợp chỉ thế chấp tài sản gắn liền với đất mà không thế chấp quyền sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đồng thời là người sử dụng đất thì tài sản được xử lý bao gồm cả quyền sử dụng đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trường hợp chỉ thế chấp tài sản gắn liền với đất mà không thế chấp quyền sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không đồng thời là người sử dụng đất thì khi xử lý tài sản gắn liền với đất, người nhận chuyển quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất được tiếp tục sử dụng đất trong phạm vi quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được chuyển giao, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Như vậy, việc chỉ thế chấp tài sản gắn liền với đất mà không thế chấp đất là hợp pháp, nhưng cần có thỏa thuận rõ ràng giữa các bên để tránh tranh chấp và rủi ro khi xử lý tài sản thế chấp.
Thế chấp tài sản gắn liền với đất nhưng không thế chấp đất có được không? (Hình từ Internet)
Thế chấp tài sản gắn liền với đất có cần phải đi đăng ký biện pháp bảo đảm không?
Các trường hợp phải đi đăng ký biện pháp bảo đảm khi thế chấp thuộc thẩm quyền của Văn phòng đăng ký đất đai được quy định tại khoản 1 Điều 25 Nghị định 99/2022/NĐ-CP, cụ thể:
- Thế chấp quyền sử dụng đất;
- Thế chấp nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất trong trường hợp tài sản đã được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận;
- Thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng công trình không phải là nhà ở, dự án đầu tư nông nghiệp, dự án phát triển rừng, dự án đầu tư khác có sử dụng đất đồng thời với quyền sử dụng đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất, cho thuê theo hình thức trả tiền một lần cho cả thời gian thuê.
Như vậy, thế chấp tài sản gắn liền với đất chỉ phải đi đăng ký biện pháp bảo đảm khi tài sản này đã được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận.