Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật có được bồi thường về đất không?
Nội dung chính
Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật có được bồi thường về đất không?
Căn cứ theo khoản 35 Điều 3 Luật Đất đai 2024 thì Nhà nước thu hồi đất là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người sử dụng đất hoặc thu lại đất của người đang sử dụng đất hoặc thu lại đất đang được Nhà nước giao quản lý.
Theo đó, tại khoản 1 Điều 82 Luật Đất đai 2024 thì việc thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật sẽ diễn ra khi rơi vào các trường hợp sau:
- Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất bị giải thể, phá sản hoặc bị chấm dứt hoạt động;
- Cá nhân sử dụng đất chết mà không có người nhận thừa kế sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản;
- Đất được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn nhưng không được gia hạn sử dụng đất;
- Thu hồi đất trong trường hợp chấm dứt dự án đầu tư
- Thu hồi đất trong trường hợp đã bị thu hồi rừng.
Đồng thời tại khoản 3 Điều 101 Luật Đất đai 2024 quy định về các trường hợp không được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất là đất thu hồi trong các trường hợp quy định tại Điều 81, khoản 1 và khoản 2 Điều 82 của Luật Đất đai 2024.
Như vậy sẽ không được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật.
Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật có được bồi thường về đất không?(Hình Internet)
Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật phải dựa trên các căn cứ nào?
Theo khoản 5 Điều 82 Luật Đất đai 2024 thì việc thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật phải dựa trên các căn cứ sau đây:
- Đối với trường hợp tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất bị giải thể, phá sản hoặc bị chấm dứt hoạt động thì sẽ căn cứ vào văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết đã có hiệu lực pháp luật để tiến hành thu hồi đất.
- Đối với trường hợp cá nhân sử dụng đất chết mà không có người nhận thừa kế sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản thì căn cứ để tiến hành thu hồi đất là Giấy chứng tử hoặc quyết định tuyên bố một người là đã chết.
- Đối với trường hợp đất được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn nhưng không được gia hạn sử dụng đất thì sẽ căn cứ theo quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất để thực hiện việc thu hồi đất.
- Đối với trường hợp chấm dứt dự án đầu tư thì việc thu hồi đất sẽ căn cứ vào văn bản chấm dứt dự án đầu tư.
- Đối với trường hợp đã bị thu hồi rừng thì việc thu hồi đất dựa trên căn cứ là văn bản thu hồi rừng.
Thực hiện thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật như thế nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 33 Nghị định 102/2024/NĐ-CP thì cơ quan có chức năng quản lý đất đai trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất về việc thu hồi đất, việc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất sẽ được thực hiện trong thời hạn tối đa 30 ngày kể từ khi nhận được một trong các văn bản sau:
- Văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết đã có hiệu lực pháp luật đối với trường hợp tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất bị giải thể, phá sản hoặc bị chấm dứt hoạt động.
- Giấy chứng tử hoặc quyết định tuyên bố một người là đã chết đối với trường hợp cá nhân sử dụng đất chết mà không có người nhận thừa kế sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản.
- Văn bản chấm dứt dự án đầu tư đối với trường hợp chấm dứt dự án đầu tư.
- Văn bản thu hồi rừng đối với trường hợp đã bị thu hồi rừng.
Đối với trường hợp thu hồi đất được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn nhưng không được gia hạn sử dụng đất thì người sử dụng đất có trách nhiệm xử lý tài sản gắn liền với đất để hoàn trả mặt bằng cho Nhà nước. Quá thời hạn 24 tháng kể từ thời điểm hết thời hạn sử dụng đất mà người sử dụng đất không xử lý tài sản thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất; trường hợp phải phá dỡ, chủ sở hữu tài sản phải chịu chi phí phá dỡ.
Đồng thời tại khoản 2 và khoản 3 Điều 33 Nghị định 102/2024/NĐ-CP thì trách nhiệm của người có đất thu hồi và Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền trong việc thu hồi đất như sau:
- Đối với người có đất thu hồi:
+ Chấp hành quyết định thu hồi đất;
+ Thực hiện bàn giao đất, giấy tờ về quyền sử dụng đất cho cơ quan, người có thẩm quyền được quy định tại quyết định thu hồi đất.
- Đối với Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền:
+ Thông báo việc thu hồi đất cho người sử dụng đất và đăng trên cổng hoặc trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện;
+ Chỉ đạo xử lý phần giá trị còn lại của giá trị đã đầu tư vào đất hoặc tài sản gắn liền với đất (nếu có);
+ Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất theo quy định tại Điều 39 Nghị định 102/2024/NĐ-CP;
+ Bố trí kinh phí thực hiện cưỡng chế thu hồi đất.