Tổ chức thi công xây dựng công trình hạng II có điều kiện năng lực như thế nào theo quy định hiện hành?
Nội dung chính
Tổ chức thi công xây dựng công trình hạng II có điều kiện năng lực như thế nào theo quy định hiện hành?
Ngày 30/12/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 175/2024/NĐ-CP về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xây dựng về quản lý hoạt động xây dựng.
Trong đó, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 106 Nghị định 175/2024/NĐ-CP, tổ chức thi công xây dựng công trình hạng II có điều kiện về năng lực như sau:
(1) Cá nhân đảm nhận chức danh chỉ huy trưởng công trường phải đủ điều kiện là chỉ huy trưởng công trường từ hạng II trở lên phù hợp với lĩnh vực chuyên môn đảm nhận;
(2) Cá nhân phụ trách thi công lĩnh vực chuyên môn có trình độ đại học hoặc cao đẳng hoặc trung cấp phù hợp theo quy định tại Mục 7 Phụ lục VI Nghị định 175/2024/NĐ-CP tương ứng với công việc đảm nhận và thời gian công tác ít nhất 01 năm đối với trình độ đại học, 03 năm đối với trình độ cao đẳng hoặc trung cấp;
(3) Có khả năng huy động đủ số lượng máy móc, thiết bị chủ yếu đáp ứng yêu cầu thi công xây dựng các công trình phù hợp với công việc tham gia đảm nhận;
(4) Đã trực tiếp thi công công tác xây dựng của hạng mục công trình, công trình hoặc bộ phận công trình (trong trường hợp thi công công tác xây dựng chuyên biệt) liên quan đến nội dung đề nghị cấp chứng chỉ của ít nhất 01 công trình từ cấp II trở lên hoặc 02 công trình từ cấp III trở lên cùng loại đối với trường hợp thi công công tác xây dựng;
(5) Đã trực tiếp thi công công tác lắp đặt thiết bị của hạng mục công trình, công trình liên quan đến nội dung đề nghị cấp chứng chỉ của ít nhất 01 công trình từ cấp II trở lên hoặc 02 công trình từ cấp III trở lên đối với trường hợp thi công công tác lắp đặt thiết bị công trình.
Tổ chức thi công xây dựng công trình hạng II có điều kiện năng lực như thế nào theo quy định hiện hành? (Hình từ Internet)
Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng đối với tổ chức thi công xây dựng công trình có thể bị thu hồi trong trường hợp nào?
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 95 Nghị định 175/2024/NĐ-CP, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng đối với tổ chức thi công xây dựng công trình có thể bị thu hồi trong các trường hợp như sau:
(1) Tổ chức được cấp chứng chỉ năng lực chấm dứt hoạt động xây dựng, giải thể hoặc phá sản;
(2) Không còn đáp ứng đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng đối với lĩnh vực được cấp chứng chỉ theo quy định;
(3) Giả mạo giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ năng lực;
(4) Cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng chứng chỉ năng lực;
(5) Sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch nội dung chứng chỉ năng lực;
(6) Chứng chỉ năng lực được cấp không đúng thẩm quyền;
(7) Chứng chỉ năng lực bị ghi sai do lỗi của cơ quan cấp chứng chỉ năng lực;
(8) Chứng chỉ năng lực được cấp khi không đủ điều kiện năng lực theo quy định;
(9) Khi cơ quan có thẩm quyền kiến nghị thu hồi chứng chỉ năng lực.
Nhà nước có những chính sách khuyến khích gì trong hoạt động đầu tư xây dựng?
Điều 10 Luật Xây dựng 2014 sửa đổi bổ sung bởi Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng 2020 quy định:
Chính sách khuyến khích trong hoạt động đầu tư xây dựng
1. Khuyến khích hoạt động đầu tư xây dựng nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo; xây dựng nhà ở xã hội; hoạt động đầu tư xây dựng theo quy hoạch ở miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và vùng chịu ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu.
2. Các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng thuộc các thành phần kinh tế được đối xử bình đẳng trước pháp luật, được khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động đầu tư xây dựng; ưu tiên nhà thầu có công trình được Nhà nước trao tặng giải thưởng chất lượng công trình xây dựng khi tham gia đấu thầu trong hoạt động xây dựng.
3. Từng bước chuyển giao một số dịch vụ công do cơ quan quản lý nhà nước đang thực hiện trong hoạt động đầu tư xây dựng cho tổ chức xã hội - nghề nghiệp có đủ khả năng, điều kiện đảm nhận.
4. Nhà nước có chính sách khuyến khích nghiên cứu, áp dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đầu tư xây dựng; hoạt động đầu tư, chứng nhận công trình xây dựng sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên, bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường; phát triển đô thị sinh thái, đô thị thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Như vậy, Nhà nước có những chính sách khuyến khích trong hoạt động đầu tư xây dựng theo quy định trên.