Tự ý san lấp đất nông nghiệp trái phép bị xử phạt bao nhiêu? Đất nông nghiệp bao gồm những loại đất nào?

Tự ý san lấp đất nông nghiệp trái phép bị xử phạt bao nhiêu? Đất nông nghiệp bao gồm những loại đất nào? Đất nông nghiệp bỏ hoang có bị nhà nước thu hồi không?

Nội dung chính

    Tự ý san lấp đất nông nghiệp trái phép bị xử phạt bao nhiêu?

    Căn cứ theo khoản 27 Điều 3 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:

    Giải thích từ ngữ
    Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
    ...
    27. Hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định.

    Bên cạnh, Điều 14 Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định như sau:

    Hủy hoại đất
    ...
    2. Hành vi làm biến dạng địa hình thuộc một trong các trường hợp sau đây: thay đổi độ dốc bề mặt đất; hạ thấp bề mặt đất; san lấp đất có mặt nước chuyên dùng (trừ hồ thủy lợi) hoặc san lấp nâng cao, hạ thấp bề mặt của đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định (trừ trường hợp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa, cải tạo đất nông nghiệp thành ruộng bậc thang và hình thức cải tạo đất khác phù hợp với mục đích sử dụng đất được giao, được thuê, được công nhận quyền sử dụng đất hoặc phù hợp với dự án đầu tư đã được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất phê duyệt hoặc chấp thuận) thì hình thức và mức xử phạt như sau:
    a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với diện tích đất dưới 0,05 héc ta;
    b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
    c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
    d) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
    đ) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 01 héc ta trở lên.

    Theo như quy định trên thì tự ý san lấp đất nông nghiệp trái phép sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 14 Nghị định 123/2024/NĐ-CP, với mức phạt tùy thuộc vào diện tích đất bị san lấp, cụ thể:

    Diện tích dưới 0,05 ha: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

    Diện tích từ 0,05 ha đến dưới 0,1 ha: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

    Diện tích từ 0,1 ha đến dưới 0,5 ha: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

    Diện tích từ 0,5 ha đến dưới 1 ha: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

    Diện tích từ 1 ha trở lên: Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.

    Lưu ý: Mức phạt tiền nêu trên áp dụng đối với cá nhân. Mức xử phạt đối với tổ chức bằng 02 lần cá nhân. (Theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 123/2024/NĐ-CP).

    Tự ý san lấp đất nông nghiệp trái phép bị xử phạt bao nhiêu? Đất nông nghiệp bao gồm những loại đất nào?

    Tự ý san lấp đất nông nghiệp trái phép bị xử phạt bao nhiêu? Đất nông nghiệp bao gồm những loại đất nào? (Hình ảnh từ Internet)

    Đất nông nghiệp bao gồm những loại đất nào?

    Căn cứ theo khoản 2 Điều 9 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:

    Phân loại đất
    1. Căn cứ vào mục đích sử dụng, đất đai được phân loại bao gồm nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp, nhóm đất chưa sử dụng.
    2. Nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
    a) Đất trồng cây hằng năm, gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác;
    b) Đất trồng cây lâu năm;
    c) Đất lâm nghiệp, gồm đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất;
    d) Đất nuôi trồng thủy sản;
    đ) Đất chăn nuôi tập trung;
    e) Đất làm muối;
    g) Đất nông nghiệp khác.

    Như vậy, đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau: đất trồng cây hằng năm (gồm đất trồng lúa và cây hằng năm khác), đất trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp (rừng đặc dụng, phòng hộ, sản xuất), đất nuôi trồng thủy sản, đất chăn nuôi tập trung, đất làm muối, và đất nông nghiệp khác.

    Đất nông nghiệp bỏ hoang có bị nhà nước thu hồi không?

    Căn cứ theo Điều 81 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:

    Các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai
    1. Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm.
    2. Người sử dụng đất hủy hoại đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi hủy hoại đất mà tiếp tục vi phạm.
    3. Đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền.
    4. Đất do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho từ người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất mà người được giao đất, cho thuê đất không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của Luật này.
    5. Đất được Nhà nước giao quản lý mà để bị lấn đất, chiếm đất.
    6. Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
    7. Đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản không được sử dụng trong thời gian 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời gian 18 tháng liên tục, đất trồng rừng không được sử dụng trong thời gian 24 tháng liên tục và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không đưa đất vào sử dụng theo thời hạn ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính;

    Như vậy, đất nông nghiệp bỏ hoang có thể bị Nhà nước thu hồi nếu người sử dụng không đưa đất vào sử dụng trong thời gian quy định (12 tháng đối với đất trồng cây hằng năm, 18 tháng đối với đất trồng cây lâu năm, 24 tháng đối với đất trồng rừng) và đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn không khắc phục.

    saved-content
    unsaved-content
    84
    CÔNG TY TNHH THƯ VIỆN NHÀ ĐẤT