Loading


Vai trò của Ủy ban nhân dân cấp xã trong quản lý đất đai là gì? Quản lý quỹ đất công ích ra sao?

Vai trò của Ủy ban nhân dân cấp xã trong quản lý đất đai là gì? Cơ quan này có những quyền hạn và trách nhiệm nào trong việc giám sát, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?

Nội dung chính

    Ủy ban nhân dân cấp xã được quy định thế nào?

    Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu, là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước nhân dân, Hội đồng nhân dân cùng cấp và Ủy ban nhân dân cấp huyện.

    Chức năng quản lý đất đai của Ủy ban nhân dân cấp xã được quy định tại nhiều luật: Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật đất đai 2024, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Ngoài ra, chức năng này còn được quy định tại các văn bản dưới luật như Nghị định, Thông tư…

    Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp xã có chức năng (chính) quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn xã trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng theo các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và theo sự phân công chỉ đạo thực hiện của Ủy ban nhân dân cấp huyện. Thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã trong quản lý đất đai xuất phát từ việc phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện nhằm thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân huyện (Điều 36 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015)

     Chủ tịch UBND cấp xã quản lý đất đai (Hình từ Internet)

    Trách nhiệm xác định nguồn gốc đất đai, tình trạng đất đai của Ủy ban nhân dân cấp xã

    Căn cứ quy định tại Điều 136 Luật Đất đai 2024 quy định về thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thì UBND cấp xã không có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Tuy nhiên tại Điều 33 Nghị định 101/2024/NĐ-CP thì UBND cấp xã có trách nhiệm xác nhận trong việc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất lần đầu.

    Trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất lần đầu như sau:

    (1) Xác nhận hiện trạng sử dụng đất có hay không có nhà ở, công trình xây dựng; tình trạng tranh chấp đất đai, tài sản gắn liền với đất.

    (2) Ủy ban nhân dân cấp xã cần phải xác nhận các nội dung sau:

    - Trường hợp có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Khoản 7 Điều 137 Luật Đất đai 2024 thì UBND xã phải xác nhận đất sử dụng ổn định theo quy định tại Khoản 38 Điều 3 Luật Đất đai 2024 và Khoản 3 Điều 34 Nghị định 101/2024/NĐ-CP.

    - Trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 137 Luật Đất đai 2024 thì UBND xã xác nhận nguồn gốc sử dụng đất; xác nhận việc sử dụng đất ổn định theo quy định tại Khoản 38 Điều 3 Luật Đất đai 2024 và Khoản 4, Khoản 5 Điều 34 Nghị định 101/2024/NĐ-CP.

    - Trường hợp đề nghị công nhận vào mục đích đất phi nông nghiệp quy định tại Điểm d Khoản 1, Điểm d Khoản 2, Điểm d Khoản 3 Điều 138 Luật Đất đai 2024, Khoản 3 Điều 25, Điểm c Khoản 1 và Điểm c Khoản 2 Điều 26 Nghị định 101/2024/NĐ-CP và trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 139 Luật Đất đai 2024 mà không thuộc Khoản 5 Điều 25 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, Khoản 2 và Khoản 3 Điều 140 Luật Đất đai 2024 thì UBND xã xác nhận sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch nông thôn; trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 140 Luật Đất đai 2024 thì xác nhận sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất.

    Lưu ý: Khi UBND xã xác nhận sự phù hợp với quy hoạch quy định trong trường hợp này thì UBND xã căn cứ vào quy hoạch có hiệu lực tại thời điểm xác nhận.

    - Trường hợp quy định Khoản 1 Điều 139 Luật Đất đai 2024 thì UBND xã xác nhận sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng.

    Trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 139 Luật Đất đai 2024 thì UBND xã xác nhận sự phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.

    Trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 139 Luật Đất đai 2024 thì UBND xã xác nhận sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cho mục đích xây dựng công trình hạ tầng công cộng.

    Trường hợp quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 139 Luật Đất đai 2024 thì UBND xã xác nhận sự phù hợp quy hoạch lâm nghiệp đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, quy hoạch sử dụng đất cho mục đích xây dựng công trình hạ tầng công cộng, xác nhận thêm sự phù hợp quy hoạch theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 33 Nghị định 101/2024/NĐ-CP đối với trường hợp quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 26 Nghị định 101/2024/NĐ-CP.

    Lưu ý: Khi UBND xã xác nhận sự phù hợp với quy hoạch quy định trong trường hợp này thì UBND xã căn cứ vào quy hoạch có hiệu lực tại thời điểm xác nhận

    (3) Trường hợp người sử dụng đất không có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất để quản lý thì UBND xã xác nhận các nội dung quy định tại Khoản 1, Điểm a và Điểm b Khoản 2 Điều 33 Nghị định 101/2024/NĐ-CP.

    (4) Niêm yết công khai các nội dung xác nhận quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 33 Nghị định 101/2024/NĐ-CP đối với trường hợp người sử dụng đất có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 06/ĐK ban hành kèm theo Nghị định 101/2024/NĐ-CP tại trụ sở UBND xã, khu dân cư nơi có đất, tài sản gắn liền với đất trong thời gian 15 ngày, đồng thời thực hiện xem xét giải quyết các ý kiến phản ánh về nội dung đã công khai (nếu có).

    (5) Hoàn thiện hồ sơ và lập tờ trình theo Mẫu số 08/ĐK ban hành kèm theo Nghị định 101/2024/NĐ-CP trình cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp huyện.

    Căn cứ để xác nhận các nội dung cần xác nhận tại mục (1), (2) và (3) được quy định tại Điều 34 Nghị định 101/2024/NĐ-CP.

    Trên đây là trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất lần đầu

    Quản lý quỹ đất công ích của Ủy ban nhân dân cấp xã

    Đất công ích là quỹ đất mà tùy từng địa phương tạo lập nhằm mục đích kinh tế – xã hội phục vụ lợi ích công cộng của địa phương. Đối với quỹ đất công ích, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm trình lập quỹ đất công ích để trình Hội đồng nhân dân duyệt.

    Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm quản lý, sử dụng đất công ích đúng mục đích, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

    Điều 179 Luật Đất đai 2024 quy định, đất công ích do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý phải Quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích đã được lập theo quy định của pháp luật về đất đai qua các thời kỳ thì tiếp tục được sử dụng để phục vụ cho các nhu cầu công ích của địa phương.

    Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ được sử dụng quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn để sử dụng vào các mục đích công cộng của địa phương bao gồm: Xây dựng các công trình công cộng của xã, phường, thị trấn như công trình văn hóa, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí công cộng, y tế, giáo dục, chợ, nghĩa trang, nghĩa địa; Bồi thường cho người có đất được sử dụng để xây dựng các công trình công cộng quy định tại Luật Đất đai 2024; Xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương (Khoản 2,3,4 Điều 179 Luật Đất đai 2024).

    Đối với diện tích đất chưa sử dụng vào các mục đích trên, Ủy ban nhân dân cấp xã có thể cho hộ gia đình, cá nhân tại địa phương thuê để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

    Quản lý đất chưa sử dụng của Ủy ban nhân dân cấp xã

    Đất chưa sử dụng là nhóm đất thứ tư trong phân loại đất đai của Luật đất đai năm 2024 (căn cứ khoản 4 Điều 9 Luật Đất đai 2024. Nhóm đất chưa sử dụng là đất chưa xác định mục đích sử dụng và chưa giao, chưa cho thuê.)

    Đối với diện tích đất chưa sử dụng, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm quản lý, bảo vệ quỹ đất chưa sử dụng trên địa bàn và đăng ký vào hồ sơ địa chính. Đồng thời, hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện về tình hình quản lý, khai thác quỹ đất chưa sử dụng (Khoản 1 Điều 221 Luật đất đai năm 2024).

    Trách nhiệm quản lý hồ sơ địa chính của Ủy ban nhân dân cấp xã

    Hồ sơ địa chính là tập hợp tài liệu thể hiện thông tin chi tiết về hiện trạng và tình trạng pháp lý của việc quản lý, sử dụng các thửa đất, tài sản gắn liền với đất để phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai và nhu cầu thông tin của các tổ chức, cá nhân có liên quan (căn cứ khoản 1 Điều 129 Luật Đất đai 2024).

    Trong quản lý hồ sơ địa chính, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phối hợp cùng cơ quan chuyên môn thiết lập, quản lý hồ sơ địa chính. Đồng thời, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm sử dụng, bảo quản, khai thác thông tin đất đai địa chính theo quy định của pháp luật theo Điều 128 Luật Đất đai 2024 như sau:

    - Hồ sơ địa chính được lập đến từng thửa đất, bảo đảm tính khoa học và thống nhất thông tin trong hồ sơ với hiện trạng quản lý, sử dụng đất; được tập hợp theo đơn vị hành chính cấp xã hoặc theo đơn vị hành chính cấp huyện nơi không thành lập đơn vị hành chính cấp xã.

    - Hồ sơ địa chính phải được chỉnh lý, cập nhật biến động đầy đủ, kịp thời khi người sử dụng đất thực hiện thủ tục hành chính về đất đai hoặc do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bảo đảm phản ánh đầy đủ tình hình quản lý, sử dụng đất trên địa bàn.

    Tiến hành hòa giải tranh chấp đất đai của Ủy ban nhân dân cấp xã

    Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai. Tranh chấp đất đai có nhiều loại bao gồm: tranh chấp về chủ thể có quyền sử dụng đất, tranh chấp liên quan đến các giao dịch về quyền sử dụng đất, tranh chấp về tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất.

    Đối với tranh chấp đất đai, khoản 1 Điều 235 Luật đất đai năm 2024 quy định về việc Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải, hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở, hòa giải theo quy định của pháp luật về hòa giải thương mại hoặc cơ chế hòa giải khác theo quy định của pháp luật.

    Như vậy, đối với các tranh chấp đất đai mà các bên không thể tự hòa giải được hoặc đã hòa giải nhưng các bên chưa đồng ý, Ủy ban nhân dân cấp có trách nhiệm tổ chức hòa giải nếu các bên tranh chấp có đơn yêu cầu.

    Nhà nước khuyến khích các bên có tranh chấp đất đai tiến hành hòa giải, do vậy hòa giải không phải thủ tục bắt buộc. Tuy nhiên, đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất, đây là thủ tục bắt buộc và cũng là điều kiện thụ lý vụ án tại Tòa án.

    Yêu cầu khởi kiện tranh chấp về quyền sử dụng đất nếu không được tiến hành hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã thì coi như là chưa đủ điều kiện khởi kiện và Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện cho đương sự là nguyên đơn.

    Trách nhiệm tổ chức hòa giải tranh chấp đất đai được quy định tại Điều 235 Luật Đất đai 2024 và Điều 105 Nghị định 102/2024/NĐ - CP. Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phải phối hợp với Ủy ban mặt trận tổ quốc cấp xã, các tổ chức thành viên của mặt trận, các tổ chức xã hội thực hiện hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương nơi có tranh chấp, bao gồm: Thẩm tra, xác minh tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp, thu thập giấy tờ, tài liệu có liên quan do các bên cung cấp về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất; Thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải; Tổ chức cuộc họp hòa giải.

    Như vậy, Ủy ban nhân dân cấp xã với vai trò là trung gian, tổ chức hòa giải, giúp các bên  tranh chấp hoặc có liên quan thỏa thuận, thương lượng phương án giải quyết tranh chấp và tự nguyện thi hành; trong trường hợp các bên không thi hành, thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Vì vậy kết quả hòa giải mặc dù là thành nhưng lại không có giá trị để thi hành.

    saved-content
    unsaved-content
    986