Loading


Công văn 1083/VKSTC-V9 năm 2024 giải đáp vướng mắc trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 1083/VKSTC-V9
Ngày ban hành 26/03/2024
Ngày có hiệu lực 26/03/2024
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Nguyễn Tiến Sơn
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng,Quyền dân sự

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1083/VKSTC-V9
V/v Giải đáp vướng mắc trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình

Hà Nội, ngày 26 tháng 3 năm 2024

 

Kính gửi:

- Các đơn vị thuộc VKSND tối cao: VP, V14, T2, T3;
- Các Viện kiểm sát nhân dân cấp cao;
- Các Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện

Năm 2023, nhiều Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) cấp dưới nêu những khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo VKSND tối cao, Vụ 9 đã tổng hợp, phối hợp với Vụ 14 VKSND tối cao trả lời như sau:

I. VỀ VIỆC THỰC HIỆN BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ NĂM 2015

Câu 1. Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) quy định thời gian VKS nghiên cứu hồ sơ để tham gia phiên tòa và thực hiện quyền kháng nghị phúc thẩm chưa hợp lý (các VKS: Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Thái Nguyên, Sơn La, Thái Bình, Hải Dương, Kiên Giang, Khánh Hòa, Hòa Bình, Ninh Thuận...)

Trả lời:

- Về thời hạn VKS nghiên cứu hồ sơ để tham gia phiên tòa: Khó khăn, vướng mắc này đã được giải đáp tại Công văn số 1120/VKSTC-V14 ngày 28/3/2023 của VKSND tối cao. Quá trình tổng kết thi hành BLTTDS năm 2015, VKSND tối cao ghi nhận vướng mắc về thời hạn nghiên cứu hồ sơ 15 ngày đối với tất cả các vụ án là không hợp lý, trường hợp vụ án phức tạp cần có thời hạn dài hơn nên đã tổng hợp, kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao (cơ quan chủ trì soạn thảo BLTTDS) để xem xét khi sửa đổi BLTTDS[1].

- Về thời hạn kháng nghị phúc thẩm đối với bản án, quyết định dân sự: Điều 280 BLTTDS quy định tương tự thời hạn kháng nghị phúc thẩm trong tố tụng hành chính (Điều 213 Luật Tố tụng hành chính năm 2015) và tố tụng hình sự (Điều 337 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015). Qua tổng kết thực tiễn công tác kiểm sát dân sự của toàn Ngành, VKSND tối cao thấy không có tình trạng vi phạm quy định về thời hạn kháng nghị phúc thẩm. Kiểm sát viên cần nghiên cứu hồ sơ, nắm chắc vụ việc trong giai đoạn xét xử sơ thẩm; kiểm sát chặt chẽ bản án, Quyết định sơ thẩm để bảo đảm kháng nghị phúc thẩm đúng thời hạn.

Câu 2. Việc chuyển hồ sơ vụ việc dân sự, gửi bản án, quyết định cho Viện kiểm sát chưa được Tòa án thực hiện đúng thời hạn pháp luật quy định (các VKS: Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Kiên Giang, Lai Châu, Hòa Bình)

Trả lời:

- Về việc Toà án chuyển hồ sơ cho VKS không đúng thời hạn: Ngày 14/3/2019, VKSND tối cao đã ban hành Kiến nghị số 04/KN-VKS-DS đến Chánh án Toà án nhân dân tối cao về việc thực hiện yêu cầu chuyển hồ sơ vụ án dân sự, hành chính. Ngày 26/4/2019, Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 183/TANDTC-VP thông báo ý kiến chỉ đạo của Chánh án Toà án nhân dân tối cao đối với các Toà án nhân dân (TAND) trong việc thực hiện nghiêm túc các quy định về thời hạn chuyển hồ sơ vụ án cho VKS theo Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao và Chánh án TAND tối cao (Thông tư liên tịch số 02/2016). Do vậy, nếu có Toà án vẫn chưa thực hiện nghiêm việc chuyển hồ sơ thì VKS thực hiện quyền kiến nghị, trong văn bản kiến nghị nêu rõ các văn bản trên của VKSNDTC và TANDTC làm cơ sở kiến nghị.

- Về việc Toà án chậm gửi bản án, quyết định cho VKS: Để chủ động trong việc kiểm sát bản án, quyết định, thực hiện quyền kháng nghị phúc thẩm, KSV cần nắm chắc nội dung Toà án tuyên tại phiên tòa, phiên họp; kiểm sát biên bản phiên tòa, phiên họp; sau phiên toà, phiên họp, đôn đốc Toà án chuyển bản án, quyết định, đặc biệt đối với những vụ, việc Toà án tuyên khác quan điểm của VKS. VKS thực hiện quyền kiến nghị tổng hợp ngang cấp hoặc báo cáo VKS cấp trên kiến nghị nếu tình trạng Tòa án vi phạm thời hạn chuyển bản án, quyết định là phổ biến.

Câu 3. Yêu cầu của VKS đối với Tòa án nhưng Tòa án không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ thì giải quyết thế nào? (VKS Bà Rịa - Vũng Tàu)

Trả lời:

Theo quy định của BLTTDS và Thông tư liên tịch số 02/2016, VKS có quyền yêu cầu đối với Tòa án trong 08 trường hợp: (1) Yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự (khoản 3 Điều 58 BLTTDS); (2) Yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ vụ việc theo quy định của Thông tư liên tịch số 02/2016 (các điều 5, 6); (3) Yêu cầu Tòa án cho sao chụp bản sao đơn khởi kiện, đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ trong trường hợp trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu (Điều 21 Thông tư liên tịch số 02/2016); (4) Yêu cầu Hội đồng xét xử công bố các tài liệu, chứng cứ của vụ việc tại phiên tòa, phiên họp (khoản 1 Điều 254, Điều 361 BLTTDS); (5) Yêu cầu Hội đồng xét xử cho nghe băng ghi âm, đĩa ghi âm, xem băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp sơ thẩm (các điều 255, 361 BLTTDS); (6) Yêu cầu Hội đồng xét xử hỏi những vấn đề còn chưa rõ tại phiên toà, phiên họp sơ thẩm (các điều 258, 361 BLTTDS); (7) Yêu cầu xem biên bản phiên toà, phiên họp; yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên toà, phiên họp (khoản 4 Điều 236, Điều 361 BLTTDS); (8) Yêu cầu Toà án cùng cấp và cấp dưới, cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm bảo đảm việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong TTDS có căn cứ, đúng pháp luật (Điều 515 BLTTDS).

Trường hợp Tòa án không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ yêu cầu của VKS thì VKS thực hiện quyền kiến nghị theo quy định của pháp luật đối với từng loại yêu cầu hoặc thực hiện quyền kháng nghị đối với bản án, quyết định nếu việc Toà án không thực hiện yêu cầu của VKS dẫn đến kết quả giải quyết vụ án không chính xác.

(Xem thêm nội dung giải đáp, hướng dẫn về quyền yêu cầu của VKS tại Mục 1 Phần I Công văn số 2964/VKSTC-V14 ngày 19/7/2018 của VKSNDTC).

Câu 4. VKS yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ nhưng cơ quan, tổ chức không thực hiện hoặc thực hiện không kịp thời thì giải quyết thế nào? (các VKS: Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Yên, Hải Dương)

Trả lời:

- Nếu đã hết thời hạn cung cấp tài liệu, chứng cứ nêu trong văn bản yêu cầu mà VKS chưa nhận được văn bản trả lời của cơ quan, tổ chức thì VKS ban hành văn bản đôn đốc.

- Nếu cơ quan, tổ chức vẫn không trả lời hoặc trả lời không cung cấp được tài liệu, chứng cứ hoặc chậm cung cấp mà không có lý do chính đáng thì VKS thực hiện quyền kiến nghị đến cơ quan, tổ chức được yêu cầu hoặc cơ quan, tổ chức cấp trên của cơ quan, tổ chức được yêu cầu.

- VKS có thể đề nghị người có thẩm quyền của Tòa án (theo các khoản 1, 2 hoặc 4 Điều 33 Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng năm 2022) xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 18 Pháp lệnh trên[2].

Câu 5. VKS kiến nghị đối với Tòa án nhưng Tòa án không trả lời thì giải quyết thế nào? (VKS Hải Dương)

Trả lời:

- Đối với các kiến nghị của VKS bằng văn bản, pháp luật quy định trách nhiệm trả lời của Toà án như sau:

+ Kiến nghị quyết định chuyển hồ sơ vụ việc dân sự cho Tòa án có thẩm quyền; các kiến nghị quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ hoặc việc không ra quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời; các kiến nghị văn bản trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, quyết định giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu; kiến nghị quyết định đưa vụ án ra giải quyết theo thủ tục rút gọn; kiến nghị quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao...BLTTDS đã quy định Toà án có trách nhiệm giải quyết trong một thời hạn cụ thể và phải gửi quyết định giải quyết kiến nghị cho VKS. Nếu Toà án không gửi hoặc chậm gửi quyết định cho VKS thì VKS thực hiện quyền kiến nghị.

+ Đối với kiến nghị Toà án cùng cấp và cấp dưới khắc phục vi phạm pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thì tại khoản 3 Điều 35 Thông tư liên tịch số 02/2016 đã quy định Toà án có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị của VKS. Trong trường hợp vụ việc phức tạp, cần có thêm thời gian thì Toà án có văn bản thông báo lý do cho VKS biết và trả lời cho VKS trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị. Nếu Toà án không trả lời hoặc chậm trả lời thì VKS thực hiện quyền kiến nghị.

+ Đối với kiến nghị tổng hợp Tòa án khắc phục vi phạm trong giải quyết vụ việc dân sự, Toà án có trách nhiệm trả lời theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Tổ chức VKSND năm 2014. Tại văn bản kiến nghị, VKS cần xác định thời hạn hợp lý để Tòa án trả lời, nếu hết thời hạn mà Toà án không trả lời thì VKS trao đổi, nhắc nhở, đôn đốc hoặc báo cáo VKS cấp trên để kiến nghị.

- Việc kiến nghị bằng lời được thực hiện tại phiên tòa. Điểm a khoản 1 Điều 28 Thông tư liên tịch số 02/2016 quy định: “Trường hợp KSV yêu cầu HĐXX khắc phục vi phạm về thủ tục tố tụng thì HĐXX xem xét, quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu; trường hợp không chấp nhận thì nêu rõ lý do. Quyết định về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận của HĐXX được thảo luận và thông qua tại phòng xử án và được ghi vào biên bản phiên tòa”. KSV phải kiểm sát biên bản phiên tòa đối với vấn đề này để có cơ sở tiếp tục kiến nghị, nếu cần thiết.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ