Loading


Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015

Số hiệu 82/2015/QH13
Ngày ban hành 25/06/2015
Ngày có hiệu lực 01/07/2016
Loại văn bản Luật
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Nguyễn Sinh Hùng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: 82/2015/QH13

Hà Nội, ngày 25 tháng 06 năm 2015

 

LUẬT

TÀI NGUYÊN, MÔI TRƯỜNG BIỂN VÀ HẢI ĐẢO

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo Việt Nam.

Hoạt động bảo vệ môi trường, quản lý, khai thác, sử dụng các loại tài nguyên biển và hải đảo thực hiện theo quy định của các luật có liên quan và bảo đảm phù hợp với các quy định tại Luật này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức và cá nhân có hoạt động liên quan đến quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tài nguyên biển và hải đảo bao gồm tài nguyên sinh vật và tài nguyên phi sinh vật thuộc khối nước biển, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển, vùng đất ven biển và quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm (sau đây gọi chung là hải đảo) thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.

2. Quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo là việc hoạch định và tổ chức thực hiện các chính sách, cơ chế, công cụ điều phối liên ngành, liên vùng để bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng hiệu quả, duy trì chức năng và cấu trúc của hệ sinh thái nhằm phát triển bền vững, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên biển, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

3. Bãi cạn lúc chìm lúc nổi là vùng đất, đá nhô cao tự nhiên có biển bao quanh, khi thủy triều xuống thấp thì lộ ra, khi thủy triều lên cao thì bị ngập nước.

4. Bãi ngầm là bãi đá, bãi san hô, bãi cát hoặc thành phần tự nhiên khác nhô cao lên khỏi đáy biển nhưng vẫn ngập nước khi thủy triều xuống thấp nhất.

5. Quy hoạch sử dụng biển là định hướng và tổ chức không gian cho việc sử dụng các vùng biển Việt Nam, được lập và phê duyệt theo quy định của Luật biển Việt Nam.

6. Vùng bờ là khu vực chuyển tiếp giữa đất liền hoặc đảo với biển, bao gồm vùng biển ven bờ và vùng đất ven biển.

7. Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ là định hướng và tổ chức không gian cho việc khai thác, sử dụng các loại tài nguyên trong vùng bờ.

8. Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo là hoạt động khảo sát, điều tra, phân tích, đánh giá về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo nhằm cung cấp số liệu về hiện trạng, xác định quy luật phân bố, tiềm năng, đặc điểm định tính, định lượng của tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

9. Thống kê tài nguyên biển và hải đảo là việc điều tra, tổng hợp, đánh giá hiện trạng tài nguyên biển và hải đảo tại thời điểm thống kê và tình hình biến động giữa các lần thống kê.

10. Quan trắc, giám sát tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo là quá trình theo dõi có hệ thống về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, các yếu tố tác động đến tài nguyên, môi trường biển và hải đảo nhằm cung cấp thông tin, đánh giá hiện trạng diễn biến tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và dự báo, cảnh báo các tác động xấu đối với tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

11. Rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo là khả năng xảy ra ô nhiễm và thiệt hại về người, tài sản, tài nguyên, điều kiện sống và hoạt động kinh tế - xã hội do ô nhiễm môi trường biển và hải đảo gây ra.

12. Sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển là việc dầu, hóa chất độc từ phương tiện chứa, vận chuyển hoặc từ công trình, thiết bị và mỏ dầu thoát ra biển do sự cố kỹ thuật, thiên tai, tai nạn hoặc do con người gây ra.

13. Chủ cơ sở là cá nhân hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm pháp lý về toàn bộ hoạt động khai thác, vận chuyển, chuyển tải, sử dụng dầu và sản phẩm dầu, hóa chất độc.

14. Nhận chìm ở biển là sự đánh chìm hoặc trút bỏ có chủ định xuống biển các vật, chất được nhận chìm ở biển theo quy định của Luật này.

Điều 4. Chính sách của Nhà nước về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

[...]
51