Loading


Nghị định 05/2017/NĐ-CP quy định về xử lý tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam

Số hiệu 05/2017/NĐ-CP
Ngày ban hành 16/01/2017
Ngày có hiệu lực 01/07/2017
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/2017/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 16 tháng 01 năm 2017

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ XỬ LÝ TÀI SẢN CHÌM ĐẮM TRÊN TUYẾN ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA, VÙNG NƯỚC CẢNG BIỂN VÀ VÙNG BIỂN VIỆT NAM

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Bộ luật hàng hải Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Bộ luật dân sự ngày 24 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật biển Việt Nam ngày 21 tháng 6 năm 2012;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về xử lý tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về xử lý tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến xử lý tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tài sản chìm đắm bao gồm: Tàu thuyền, hàng hóa hoặc các vật thể khác chìm đắm hoặc trôi nổi trên các tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển, vùng biển Việt Nam hoặc bị trôi dạt vào bờ biển Việt Nam.

2. Tài sản chìm đắm gây nguy hiểm là tài sản chìm đắm làm cản trở hoặc gây nguy hiểm cho hoạt động hàng hải, hoạt động giao thông đường thủy nội địa; đe dọa tính mạng và sức khỏe con người; ảnh hưởng đến tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường.

3. Xử lý tài sản chìm đắm bao gồm các hoạt động: Tiếp nhận thông tin, xác định vị trí tài sản chìm đắm, thông báo, xác định chủ sở hữu tài sản, trục vớt, chuyển giao, tiếp nhận, bảo quản, bán, tiêu hủy tài sản chìm đắm.

4. Trục vớt tài sản chìm đắm bao gồm các hoạt động: Thăm dò, xây dựng và thực hiện phương án làm nổi, di dời, phá dỡ, phá hủy tài sản chìm đắm.

5. Cảng vụ là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại khu vực có tài sản chìm đắm, gồm: Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ đường thủy nội địa, đơn vị quản lý đường thủy nội địa theo quy định của pháp luật đường thủy nội địa.

6. Tuyến đường thủy nội địa bao gồm luồng và hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa, được xác định cụ thể điểm đầu và điểm cuối và vùng nước cảng, bến thủy nội địa theo quy định.

Điều 4. Phân loại và xác định tài sản chìm đắm gây nguy hiểm

Tài sản chìm đắm gây nguy hiểm được phân thành hai cấp độ:

1. Tài sản chìm đắm gây nguy hiểm cấp độ 1 là những tài sản thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Gây mất an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến hoạt động hàng hải, hoạt động đường thủy nội địa tại khu vực nhưng chưa gây ách tắc luồng và chưa phải áp dụng biện pháp cấm luồng hàng hải hoặc luồng đường thủy nội địa;

[...]
24
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ