Loading


Nghị quyết 14/NQ-CP năm 2023 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Chính phủ ban hành

Số hiệu 14/NQ-CP
Ngày ban hành 08/02/2023
Ngày có hiệu lực 08/02/2023
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Trần Hồng Hà
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/NQ-CP

Hà Nội, ngày 08 tháng 02 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 30-NQ/TW NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2022 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ BẢO ĐẢM QUỐC PHÒNG, AN NINH VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 531/TTr-BKHĐT ngày 19 tháng 01 năm 2023.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Điều 2. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, Công báo;
- Lưu: VT, KTTH (2b).

TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trần Hồng Hà

 

CHƯƠNG TRÌNH

HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 30-NQ/TW NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2022 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ BẢO ĐẢM QUỐC PHÒNG, AN NINH VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045
(Kèm theo Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 08 tháng 02 năm 2023 của Chính phủ)

Căn cứ các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tại Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây gọi là Nghị quyết số 30-NQ/TW), Chính phủ ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị với những nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Việc xây dựng và ban hành Nghị quyết về Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW được xây dựng trên cơ sở bám sát quan điểm, mục tiêu nêu trong Nghị quyết số 30-NQ/TW nhằm xây dựng đồng bằng Sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, xã hội số, y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đồng bộ, hiện đại, thông minh; hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới, thông minh xanh, bền vững phù hợp với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

2. Chương trình hành động phải cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu tại Nghị quyết số 30-NQ/TW bằng những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực của Chính phủ gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện theo lộ trình cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu của Nghị quyết số 30-NQ/TW; là căn cứ để các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng Sông Hồng xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của từng bộ, cơ quan và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, phấn đấu cao nhất đạt được các mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 30-NQ/TW.

3. Chương trình hành động phải thể hiện được vai trò kiến tạo, điều phối của Chính phủ theo tinh thần đồng hành cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng Sông Hồng quyết tâm phấn đấu để sớm đạt được các mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, xác định các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng Sông Hồng tập trung chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách có tính đột phá; huy động và phân bổ nguồn lực thực hiện các chương trình, đề án và dự án quan trọng; mở rộng hợp tác quốc tế; đảm bảo kết hợp chặt chẽ giữa mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bằng Sông Hồng với nhiệm vụ củng cố quốc phòng an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, giữ vững chủ quyền quốc gia.

4. Phấn đấu đạt các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030

- Tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 9%/năm. Đến năm 2030, GRDP vùng tăng khoảng 3 lần so với năm 2020 (giá hiện hành), trong đó nông, lâm và thủy sản chiếm khoảng 3,5%, công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 47%, dịch vụ chiếm khoảng 41%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm khoảng 8,5%. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 274 triệu đồng/người/năm. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 7%. Đóng góp bình quân của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng giai đoạn 2021-2030 đạt 55%. Kinh tế số đạt khoảng 35% GRDP. Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 55%. 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

- Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia: Mầm non đạt 76%, tiểu học đạt 95%, trung học cơ sở đạt 90%, trung học phổ thông đạt 68%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 48 - 52%, tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức dưới 3%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm khoảng 1,5%/năm. Đạt 32 giường bệnh/vạn dân và 11 bác sỹ/vạn dân. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95% dân số.

- Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch theo quy chuẩn ở thành thị đạt 100%, ở nông thôn đạt 85%; 100% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%; tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định đạt 98%. Giảm ít nhất 9% lượng phát thải khí nhà kính.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu cụ thể nêu trên, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng Sông Hồng tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

1. Công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến thông tin và triển khai thực hiện Nghị quyết

- Khẩn trương triển khai công tác nghiên cứu, quán triệt nội dung của Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Chính phủ và các Chương trình, kế hoạch hành động triển khai thực hiện để tạo sự thống nhất trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí chiến lược và tầm quan trọng đặc biệt về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của vùng đồng bằng Sông Hồng đối với cả nước.

[...]
2