Loading


Quyết định 656-TTg năm 1996 về phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên thời kỳ 1996-2000 và 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 656-TTg
Ngày ban hành 13/09/1996
Ngày có hiệu lực 28/09/1996
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Đầu tư,Bộ máy hành chính

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 656-TTg

Hà Nội, ngày 13 tháng 9 năm 1996

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG TÂY NGUYÊN THỜI KỲ 1996-2000 VÀ 2010

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Theo đề nghị của Bộ trưởng các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Bộ trưởng Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc và Miền núi.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.

A. Vị trí, tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên

Tây Nguyên có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về kinh tế, chính trị và an ninh quốc phòng đối với cả nước. Việc bảo vệ, phát huy những lợi thế của Tây Nguyên về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, bao gồm cả khí hậu, rừng, đất đỏ Bazan, nguồn nước, những điều kiện thuận lợi khác cho phát triển nông lâm nghiệp - đặc biệt là các cây công nghiệp quan trọng..., sẽ tạo ra được sự phát triển năng động của Tây Nguyên trong môi trường sinh thái bền vững, trực tiếp nâng cao đời sống của nhân dân Tây Nguyên, trước hết là đồng bào dân tộc, đồng thời tạo được nhân tố gắn kết sự phát triển kinh tế Tây Nguyên với vùng duyên hải Nam Trung bộ, Đông Nam Bộ và của cả nước.

Hiện nay việc bảo vệ, khai thác các thế mạnh, tiềm năng to lớn của Tây Nguyên còn bị hạn chế, rừng là tài nguyên quý giá và lớn nhất của cả nước còn lại ở Tây Nguyên vẫn đang tiếp tục bị chặt phá và suy giảm; diện tích đất đỏ Bazan rất quý nhưng chưa được khai thác hợp lý, nguồn nước đang có xu hướng bị cạn kiệt, cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn rất yếu kém, một bộ phận đồng bào các dân tộc trong vùng vẫn tiếp tục du canh, du cư, tỷ lệ hộ đói nghèo còn lớn, đời sống văn hoá còn thấp. Nhằm khắc phục tình hình trên và phát huy những lợi thế của Tây Nguyên, Nhà nước chủ trương thực hiện nhất quán, lâu dài về chính sách và cơ chế khuyến khích, huy động mọi nguồn lực tại chỗ và của cả nước để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội Tây Nguyên.

B. Mục tiêu chủ yếu phát triển, kinh tế - xã hội Tây Nguyên thời kỳ 1996 - 2000 và 2010 là:

1. Về phát triển sản xuất nông lâm nghiệp.

a) Lâm nghiệp:

Cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc nhiệm vụ bảo vệ và phát triển vốn rừng là vấn đề sống còn lâu dài của Tây Nguyên và của cả nước. Rừng phải được coi là một thế mạnh, mũi nhọn về kinh tế, nhân tố quan trọng hàng đầu cho phát triển toàn diện kinh tế - xã hội Tây Nguyên.

Việc bảo vệ, phát triển rừng ở Tây Nguyên phải đạt được mục tiêu sau đây:

- Phát triển kinh tế rừng ở Tây Nguyên phải nhằm làm phong phú thêm vốn rừng, khai thác và sử dụng có hiệu quả các ưu thế của rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ nguồn nước, điều tiết dòng chảy, hạn chế thiên tại, chống xói mòn và tăng sản phẩm xã hội.

- Chấm dứt nạn đốt phá rừng, tăng cường quản lý, bảo vệ, nâng cao chất lượng 3 triệu ha rừng hiện có, đồng thời trồng mới 300.000 ha rừng và 400.000 ha cây công nghiệp lâu năm, nâng độ che phủ lên trên 70%. Coi nhiệm vụ tăng cường xây dựng các khu rừng phòng hộ đầu nguồn của các công trình thuỷ lợi, thuỷ điện, các vườn Quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên là yêu cầu sống còn bảo vệ môi trường, nguồn nước cho Tây Nguyên và cho nhiều vùng rộng lớn khác của cả nước.

- Đẩy mạnh trồng rừng nguyên liệu công nghiệp và rừng đặc sản, chủ yếu phải áp dụng các biện pháp thâm canh và tuyển chọn trồng các loài cây rừng tăng trưởng nhanh, sớm cho sản phẩm, đạt năng suất và hiệu quả cao gắn với quy hoạch phát triển các cơ sở công nghiệp giấy, chế biến gỗ và lâm sản khác.

- Khuyến khích nhân dân tận dụng những diện tích đất đai ngoài vùng quy hoạch để trồng cây lấy củi, có biện pháp từng bước thay củi bằng các nguồn chất đốt khác, trước hết ở các đô thị và vùng dân cư tập trung; nghiêm cấm việc dùng củi làm chất đốt ở các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng và đốt lấy than hàng hoá.

- Phải chuyển phần lớn diện tích rừng tự nhiên hiện có sang rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để thực hiện chế độ quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt. Từng buôn làng, từng xã, từng đơn vị phải xây dựng quy ước quản lý bảo vệ rừng để mọi người thực hiện.

- Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, kể cả công nghiệp sinh học, cấy mô, lai tạo, chọn giống để sớm có tập đoàn cây thích hợp, có giá trị (cây lấy gỗ, cây lấy nhựa, cây lấy quả, cây làm vật liệu xây dựng, cây làm nguyên liệu công nghiệp, cây làm dược liệu v.v...) phục vụ cho mục tiêu trồng rừng.

- Huy động mọi nguồn vốn thuộc các thành phần kinh tế trong nước kể cả hình thức liên doanh liên kết với các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển rừng, (ở những nơi điều kiện an ninh, quốc phòng cho phép, có thể huy động cả vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài).

b) Về sản xuất cây công nghiệp:

Tập trung phát triển các cây công nghiệp chủ lực của Tây Nguyên, trước hết là cao su, cà phê, đồng thời trên cơ sở điều tra quy hoạch để có thể mở rộng diện tích những cây công nghiệp khác như bông, dâu tằm, mía v.v...

- Cao su: Là cây trồng có tiềm năng to lớn ở Tây Nguyên. Để đạt được mục tiêu 350.000 ha vào năm 2010, tận dụng khai thác đất trống, đồi trọc thích hợp để phát triển cao su nhằm cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp cao su, che phủ đất và cải thiện môi trường sinh thái. Phấn đấu mỗi năm trồng mới khoảng 20.000-30.000 ha theo hướng đa dạng các thành phần kinh tế trồng cao su (quốc doanh, cao su nhân dân, cao su tiểu điền), huy động mọi nguồn vốn trong dân, các doanh nghiệp của mọi thành phần kinh tế và tận dụng nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng Thế giới cho vay trồng cao su.

Tổng công ty cao su Việt nam cùng với các tỉnh Tây Nguyên phải có kế hoạch đầu tư phát triển công nghiệp sơ chế và chế biến sâu, đưa công nghiệp chế biến các sản phẩm cao su trở thành một trong những ngành công nghiệp quan trọng trong cơ cấu kinh tế toàn vùng Tây Nguyên.

- Cà phê: Đây là cây trồng có sản phẩm hàng hoá chủ lực không chỉ của Tây Nguyên mà của cả nước, tạo nên những vùng dân cư trù phú, những đô thị mới, huyện, xã mới, nhiều buôn, làng đã thoát khỏi nghèo đói và một tỷ lệ không nhỏ trở nên giầu có. Song cần chấm dứt ngay nạn phá rừng phát triển ồ ạt cà phê không theo quy hoạch, gây sự mất cân bằng nguồn nước và xâm phạm nghiêm trọng vốn rừng. Nghiêm cấm việc chuyển nhượng đất đai trái phép và gây tranh chấp đất đai trong cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên.

Mục tiêu phát triển cây cà phê là duy trì và đẩy mạnh thâm canh nhằm nâng cao chất lượng vườn cà phê hiện có, mở thêm diện tích cà phê chè ở nơi có điều kiện theo đúng quy hoạch, cân đối với khả năng cung cấp nguồn nước, bảo vệ vốn rừng. Phấn đấu đạt năng suất bình quân 2 tấn cà phê nhân/ha trở lên, để mỗi năm có sản lượng khoảng 300.000 tấn cà phê nhân.

Tổng công ty cà phê Việt nam cùng với các tỉnh Tây Nguyên sớm có quy hoạch phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm cà phê, đa dạng sản phẩm như: cà phê rang, cà phê bột với chất lượng cao, mẫu mã đẹp, đủ điều kiện xuất khẩu phù hợp với thị hiếu của khách hàng, làm cho sản phẩm cà phê Việt nam có sức cạnh tranh lâu dài trên thị trường thế giới.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ