Cách kiểm tra phạt nguội online? Bị dính phạt nguội CSGT thì nộp phạt ở đâu?
Nội dung chính
Cách kiểm tra phạt nguội online?
Theo khoản 1 Điều 28 Thông tư 32/2023/TT-BCA, cảnh sát giao thông (CSGT) sẽ tiến hành xác minh thông tin người và phương tiện có hành vi vi phạm quy định về giao thông đường bộ sau khi nhận được thông tin từ hệ thống phạt nguội.
Sau khi đã xác minh được thông tin của người điều khiển và phương tiện, CSGT sẽ gửi thông báo đến chủ phương tiện vi phạm.
Chủ phương tiện vi phạm sau khi nhận được thông báo phải đến cơ quan công an giải quyết vụ việc trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm.
Trường hợp đã quá thời hạn 20 ngày kể từ ngày gửi thông báo mà chủ phương tiện không đến giải quyết vụ việc thì Cảnh sát giao thông sẽ cập nhật thông tin của phương tiện giao thông vi phạm lên Trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông.
Cá nhân có thể tra cứu phạt nguội sau khoảng 30 ngày kể từ khi vi phạm thông qua Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an.
* Có thể kiểm tra phạt nguội online bằng phương thức sau:
Bước 1: Người vi phạm truy cập vào đường link: https://www.csgt.vn/tra-cuu-phuong-tien-vi-pham.html
Bước 2: Người vi phạm nhập đầy đủ biển số xe cần kiểm tra và chọn loại phương tiện (Ô tô - xe máy - xe đạp điện)
Bước 3: Nhập mã bảo mật (Cụm ký tự chữ và số bên cạnh ô trống)
Lưu ý: Trong một số trường hợp sẽ xảy ra tình trạng nhập mã bảo mật không được, người tra cứu phạt nguôi xe máy cần thực hiện nhiều lần và nhập chính xác cụm ký tự chữ và số này.
Bước 4: Nhấn Tra cứu để tìm kết quả.
Hệ thống sẽ trả về kết quả vi phạm giao thông của phương tiện qua camera.
Nếu hệ thống thông báo "không tìm thấy kết quả" thì nghĩa là xe không bị phạt nguội.
Cách kiểm tra phạt nguội online? Bị dính phạt nguội CSGT thì nộp phạt ở đâu? (Hình từ Internet)
Bị dính phạt nguội CSGT thì người vi phạm phải đến cơ quan nào đóng phạt?
Tại khoản 2 Điều 28 Thông tư 32/2023/TT-BCA có quy định về nơi đóng phạt nguội như sau:
Trình tự xử lý kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đối với trường hợp vi phạm nhưng không dừng được phương tiện giao thông để kiểm soát, xử lý vi phạm
...
2. Khi chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính đến cơ quan Công an để giải quyết vụ việc vi phạm thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hoặc Trưởng Công an xã, phường, thị trấn, Trưởng Công an cấp huyện tiến hành giải quyết, xử lý vụ việc vi phạm theo quy định tại điểm c, điểm d khoản 1 Điều 15 Nghị định số 135/2021/NĐ-CP.
Theo quy định vừa nêu trên thì cá nhân bị dính phạt nguội CSGT thì cần đến cơ quan Công an nơi phát hiện hành vi vi phạm của cá nhân để giải quyết hành vi sai phạm của mình.
Trường hợp chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính không cư trú, đóng trụ sở tại địa bàn cấp huyện nơi cơ quan Công an đã phát hiện vi phạm hành chính, nếu xác định vi phạm hành chính đó thuộc thẩm quyền xử phạt của Trưởng Công an xã, phường, thị trấn thì chuyển kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đến Công an xã, phường, thị trấn nơi chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính cư trú, đóng trụ sở để giải quyết, xử lý vụ việc vi phạm (khi được trang bị hệ thống mạng kết nối gửi bằng phương thức điện tử).
Các hình thức cách đóng phạt tiền vi phạm giao thông?
Căn cứ khoản 1 Điều 20 Nghị định 118/2021/NĐ-CP thì 05 cách đóng tiền phạt vi phạm giao thông hiện nay gồm
(1) Nộp tiền mặt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc tại ngân hàng nơi Kho bạc nhà nước mở tài khoản được ghi trong quyết định xử phạt giao thông.
(2) Chuyển khoản vào tài khoản của Kho bạc nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt.
(3) Nộp phạt qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc dịch vụ thanh toán điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
(4) Nộp phạt trực tiếp cho Cảnh sát giao thông đối với lỗi vi phạm dưới bị phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức.
(5) Nộp phạt qua bưu điện.
Thủ tục nộp tiền phạt được quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định 118/2021/NĐ-CP như sau:
(1) Trong trường hợp quyết định xử phạt chỉ áp dụng hình thức phạt tiền mà cá nhân bị xử phạt không cư trú tại nơi xảy ra hành vi vi phạm, thì theo đề nghị của cá nhân bị xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt quyết định nộp tiền phạt theo hình thức Chuyển khoản vào tài khoản của Kho bạc nhà nước và gửi quyết định xử phạt cho cá nhân vi phạm qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt;
(2) Cá nhân bị xử phạt nộp phạt vào tài khoản Kho bạc nhà nước ghi trong quyết định xử phạt trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012;
(3) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiền phạt được nộp trực tiếp vào tài khoản của Kho bạc nhà nước hoặc gián tiếp thông qua dịch bưu chính công ích, người tạm giữ các giấy tờ để bảo đảm cho việc xử phạt theo quy định tại khoản 6 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 phải gửi trả lại cá nhân bị xử phạt các giấy tờ đã tạm giữ qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm đối với trường hợp nộp trực tiếp hoặc gửi qua dịch bưu chính công ích đối với trường hợp nộp gián tiếp.
Chi phí gửi quyết định xử phạt và chi phí gửi trả lại giấy tờ do cá nhânbị xử phạt chi trả;
(4) Cá nhân bị xử phạt có thể trực tiếp nhận lại giấy tờ đã bị tạm giữ hoặc thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền.