Loading

10:05 - 28/12/2024

Chính sách mới về công chức viên chức có hiệu lực từ tháng 01/2025

Một số chính sách mới về công chức, viên chức có hiệu lực thi hành từ tháng 01/2025.

Nội dung chính

    Chính sách mới về công chức viên chức có hiệu lực từ 01/01/2025

    Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 được Quốc hội thông qua ngày 24/6/2024, gồm 09 Chương, 152 Điều và có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.

    Theo đó, 04 điểm mới nổi bật về công chức viên chức Tòa án nhân nhân quy định tại Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 bao gồm:

    (1) Điểm mới về ngạch Thẩm phán

    Căn cứ Điều 90 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 quy định 02 ngạch Thẩm phán gồm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và Thẩm phán.

    Trước đó, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 quy định có 04 ngạch Thẩm phán Tòa án nhân dân gồm: Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Thẩm phán cao cấp; Thẩm phán trung cấp; Thẩm phán sơ cấp.

    (2) Điểm mới về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

    Căn cứ khoản 2 Điều 96 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 quy định về mở rộng nguồn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao như sau:

    Người không công tác tại các Tòa án nhưng có uy tín cao trong xã hội, có đủ tiêu chuẩn như:

    - Là công dân Việt Nam.

    - Trung thành với Tổ quốc và với Hiến pháp.

    - Có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần dũng cảm và kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực.

    - Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Có độ tuổi từ đủ 45 tuổi trở lên.

    - Có năng lực xét xử, giải quyết những vụ án, vụ việc và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao.

    Bảo đảm quy trình theo quy định thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao khi thuộc một trong những trường hợp sau đây:

    - Người giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức trung ương am hiểu sâu sắc về chính trị, pháp luật, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao;

    - Chuyên gia, luật sư, giảng viên đại học, nhà khoa học có trình độ cao về pháp luật, giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

    (3) Điểm mới về nhiệm kỳ của Thẩm phán

    Căn cứ Điều 100 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 quy định về nhiệm kỳ của Thẩm phán như sau:

    - Nhiệm kỳ của Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được tính từ khi được bổ nhiệm đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.

    - Thẩm phán Tòa án nhân dân được bổ nhiệm lần đầu có nhiệm kỳ là 05 năm kể từ ngày được bổ nhiệm. Thẩm phán Tòa án nhân dân được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.

    (4) Điểm mới về chế độ tiền lương, phụ cấp

    Căn cứ Điều 142 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 quy định về chế độ tiền lương, phụ cấp:

    - Nhà nước có chính sách ưu tiên về tiền lương, phụ cấp đối với Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án.

    - Chế độ tiền lương và phụ cấp đối với Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

    - Chế độ tiền lương, phụ cấp đối với công chức khác, viên chức và người lao động của Tòa án được thực hiện theo quy định của pháp luật.

    - Công chức, viên chức của Tòa án được điều động, luân chuyển, biệt phái tại các Tòa án được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

    Chính sách mới về công chức viên chức có hiệu lực từ tháng 01/2025

    Chính sách mới về công chức viên chức có hiệu lực từ tháng 01/2025 (Hình từ Internet)

    Chính sách mới về công chức viên chức có hiệu lực từ 06/01/2025

    Ngày 21/11/2024, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 16/2024/TT-BNNPTNT quy định về tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, có hiệu lực từ ngày 06/01/2025 bãi bỏ Thông tư 02/2023/TT-BNNPTNT.

    Theo đó, Điều 2 Thông tư 16/2024/TT-BNNPTNT quy định về tiêu chuẩn, điều kiện chung xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn như sau:

    - Đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại khoản 16 Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

    - Có vị trí việc làm còn thiếu tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp viên chức dự xét thăng hạng.

    - Được cơ quan, đơn vị quản lý viên chức có nhu cầu và cử viên chức dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

    - Về chứng chỉ bồi dưỡng chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn

    Viên chức đã có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng viên chức chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn theo quy định của pháp luật trước ngày 30/6/2022 được xác định là đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; đồng thời được sử dụng khi dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và không phải học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

    Chính sách mới về công chức viên chức có hiệu lực từ 15/01/2025

    (1) Chính sách mới về nhiệm vụ và tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ đối với Viên chức lý lịch tư pháp hạng I

    Ngày 25/11/2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư 13/2024/TT-BTP quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp Lý lịch tư pháp, có hiệu lực từ ngày 15/01/2024.

    Theo Điều 5 Thông tư 13/2024/TT-BTP quy định về nhiệm vụ và tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ đối với Viên chức lý lịch tư pháp hạng I như sau:

    - Nhiệm vụ:

    + Chủ trì hoặc chịu trách nhiệm chính trong xây dựng, quản lý, sử dụng, khai thác Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, cấp Phiếu lý lịch tư pháp; kiểm tra, kiểm soát kết quả thực hiện nhiệm vụ của Viên chức lý lịch tư pháp hạng II, Viên chức lý lịch tư pháp hạng III theo sự phân công của cấp có thẩm quyền;

    + Chủ trì hoặc chịu trách nhiệm chính trong hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về lý lịch tư pháp, xây dựng tài liệu, nội dung hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ đối với Viên chức lý lịch tư pháp hạng II, Viên chức lý lịch tư pháp hạng III;

    + Chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch, đề án, văn bản, quy chế, quy định, quy trình kỹ thuật về lý lịch tư pháp;

    + Chủ trì biên soạn, xây dựng tài liệu, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ trong lĩnh vực lý lịch tư pháp;

    + Chủ trì nghiên cứu nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ cấp cơ sở trở lên;

    + Tham gia xây dựng, soạn thảo đề án, văn bản quy phạm pháp luật theo sự phân công của cấp có thẩm quyền;

    + Chủ trì hoặc chịu trách nhiệm chính trong giải quyết khiếu nại của tổ chức, cá nhân về lý lịch tư pháp;

    + Nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật hoặc theo sự phân công của cấp có thẩm quyền.

    - Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ:

    + Nắm vững và thực hiện đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác lý lịch tư pháp;

    + Có kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng để thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư 13/2024/TT-BTP;

    + Có năng lực tổ chức, xây dựng nội dung và thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư 13/2024/TT-BTP;

    + Có năng lực, kỹ năng soạn thảo văn bản, phân tích, đánh giá để thực hiện nhiệm vụ quy định điểm b, điểm c, điểm d khoản 1 Điều 5 Thông tư 13/2024/TT-BTP;

    + Có năng lực phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư 13/2024/TT-BTP.

    (2) Chính sách mới về tiêu huẩn, điều kiện chung về xét thăng hạng với chức danh nghề nghiệp Lý lịch tư pháp

    Ngày 25/11/2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư 14/2024/TT-BTP quy định về tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp lý lịch tư pháp, có hiệu lực từ ngày 15/01/2024.

    Theo Điều 3 Thông tư 14/2024/TT-BTP quy định về tiêu chuẩn, điều kiện chung về xét thăng hạng với chức danh nghề nghiệp Lý lịch tư pháp như sau:

    - Đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định 115/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại khoản 16 Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP).

    - Đáp ứng tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp và tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của chức danh nghề nghiệp Lý lịch tư pháp quy định tại Điều 3 và Điều 4 Thông tư 13/2024/TT-BTP quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp Lý lịch tư pháp.

    - Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia có nhu cầu vị trí việc làm của chức danh viên chức dự xét thăng hạng;

    - Được cấp có thẩm quyền cử tham dự xét thăng hạng.

    saved-content
    unsaved-content
    137