Người lao động ứng tiền lương trước Tết Nguyên Đán có bị tính lãi không?
Nội dung chính
Người lao động được tạm ứng lương trong trường hợp nào?
Tại Điều 101 Bộ luật Lao động 2019 có quy định tạm ứng tiền lương như sau:
- Người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thỏa thuận.
- Người sử dụng lao động phải cho người lao động tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên.
- Người lao động nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 thì không được tạm ứng tiền lương.
- Khi nghỉ hằng năm, người lao động được tạm ứng một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ.
Bên cạnh đó tại khoản 2 Điều 128 Bộ luật Lao động 2019 quy định: "Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc."
Tại khoản 3 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau: "Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng."
Tại Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định như sau: "Buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chi phí cứu chữa tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động."
Như vậy, người lao động được tạm ứng lương trong 06 trường hợp sau đây:
(1) Theo thỏa thuận với người sử dụng lao động: Mức tạm ứng sẽ do hai bên tự thỏa thuận, không bị giới hạn bởi pháp luật.
(2) Người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc theo khoán: Trong trường hợp công việc phải thực hiện kéo dài nhiều tháng, người lao động được tạm ứng tiền lương dựa trên khối lượng công việc đã hoàn thành.
(3) Người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên: Trong trường hợp này, mức tạm ứng tối đa là 1 tháng tiền lương.
(4) Người lao động nghỉ hằng năm: Người lao động được tạm ứng khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ hằng năm.
(5) Người lao động bị tạm đình chỉ công việc: Trong thời gian tạm đình chỉ, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương.
(6) Trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động: Người lao động có quyền yêu cầu tạm ứng lương trong khi chờ kết quả giải quyết tranh chấp.
Ngoài trường hợp tạm ứng lương theo thỏa thuận, các trường hợp còn lại là nghĩa vụ bắt buộc của người sử dụng lao động nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động trong các tình huống đặc biệt.
Người lao động ứng tiền lương trước Tết Nguyên Đán có bị tính lãi không? (Hình từ internet)
Người lao động ứng tiền lương trước Tết Nguyên Đán có bị tính lãi không?
Theo quy định tại Điều 101 Bộ luật Lao động 2019, người lao động có quyền thỏa thuận ứng tiền lương trước Tết Nguyên Đán với người sử dụng lao động trong một số trường hợp nhất định và không bị tính lãi.
Theo đó tạm ứng tiền lương trước Tết Nguyên Đán là việc người lao động nhận trước một phần hoặc toàn bộ tiền lương của mình trước thời hạn trả lương. Đây không phải là khoản vay, do đó, người lao động sẽ không phải chịu bất kỳ lãi suất nào.
Trong dịp Tết, người lao động có thể đề xuất mức tạm ứng linh hoạt như 30%, 50%, 70% hoặc thậm chí 100% tiền lương tháng tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng đồng ý của người sử dụng lao động. Việc thỏa thuận này nhằm hỗ trợ người lao động có thêm nguồn tài chính để chuẩn bị cho các hoạt động dịp lễ Tết, đồng thời đảm bảo quyền lợi chính đáng mà không vi phạm quy định pháp luật.
Như vậy, người lao động hoàn toàn có thể thỏa thuận ứng tiền lương trước Tết Nguyên Đán với người sử dụng lao động mà không lo ngại bị tính lãi. Đây là quyền lợi được pháp luật bảo đảm, giúp người lao động có thêm sự linh hoạt trong việc sử dụng tài chính cá nhân trong những dịp đặc biệt như Tết Nguyên Đán 2025.
Ngày Tết Nguyên Đán được tính lương làm thêm giờ như thế nào?
Căn cứ theo Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm như sau:
- Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:
+ Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
+ Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
+ Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
- Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
- Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.
Theo quy định pháp luật, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong 05 ngày Tết Âm lịch. Tuy nhiên, nếu người lao động làm thêm giờ trong những ngày Tết, mức lương làm thêm giờ sẽ được tính theo tỷ lệ cao hơn so với ngày làm việc bình thường, cụ thể:
+ Làm việc vào ban ngày: Người lao động sẽ được trả lương ít nhất bằng 400% so với mức lương ngày làm việc bình thường.
+ Làm việc vào ban đêm: Mức lương được trả sẽ ít nhất bằng 490% so với lương ngày làm việc bình thường.