Loading

09:57 - 13/01/2025

Sẽ có 05 cơ quan thuộc Chính phủ sau khi tinh gọn bộ máy (Dự kiến)

Sẽ có 05 cơ quan thuộc Chính phủ sau khi tinh gọn bộ máy (Dự kiến). Bộ máy Nhà nước Việt Nam gồm những cơ quan nào theo Hiến pháp?

Nội dung chính

    Sẽ có 05 cơ quan thuộc Chính phủ sau khi tinh gọn bộ máy (Dự kiến)

    Căn cứ theo Báo cáo số 219/BC-BNV bổ sung, hoàn thiện phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ dự kiến sẽ có 05 cơ quan thuộc Chính phủ sau khi tinh gọn bộ máy (giảm 03 cơ quan) như sau:

    (1) Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

    Theo Nghị định 106/2022/NĐ-CP quy định về Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam như sau:

    Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên và phát triển công nghệ; cung cấp luận cứ khoa học cho công tác quản lý khoa học, công nghệ và xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội; đào tạo nhân lực khoa học, công nghệ có trình độ cao theo quy định của pháp luật.

    (2) Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

    Theo Nghị định 108/2022/NĐ-CP quy định về Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam như sau:

    Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng nghiên cứu những vấn đề cơ bản về khoa học xã hội; cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển nhanh và bền vững của đất nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tư vấn về chính sách phát triển trong lĩnh vực khoa học xã hội; đào tạo nhân lực có trình độ cao về khoa học xã hội theo quy định của pháp luật.

    (3) Đài Truyền hình Việt Nam

    Theo Nghị định 106/2022/NĐ-CP quy định đài truyền hình Việt Nam như sau:

    Đài Truyền hình Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, là đài truyền hình quốc gia, cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, thực hiện chức năng thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần giáo dục, nâng cao dân trí, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân bàng các chương trình truyền hình và các loại hình báo chí, truyền thông.

    Đài Truyền hình Việt Nam chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông về báo chí.

    (4) Đài Tiếng nói Việt Nam

    Theo Nghị định 92/2022/NĐ-CP quy định về đài Tiếng nói Việt Nam như sau:

    Đài Tiếng nói Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, là đài phát thanh quốc gia, cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện thực hiện chức năng thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần giáo dục, nâng cao dân trí, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân bằng các chương trình phát thanh và các loại hình báo chí, truyền thông đa phương tiện khác.

    Đài Tiếng nói Việt Nam chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông về báo chí.

    (5) Thông tấn xã Việt Nam

    Theo Nghị đinh 87/2022/NĐ-CP quy định về Thông tấn xã Việt Nam như sau:

    Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, là cơ quan thông tấn quốc gia, cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, thực hiện chức năng đăng, phát thông tin, văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước; cung cấp thông tin phục vụ yêu cầu lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước; thu thập, phổ biến thông tin phục vụ các cơ quan thông tin đại chúng, công chúng và các đối tượng khác trong và ngoài nước.

    Thông tấn xã Việt Nam chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông về báo chí, xuất bản.

    Như vậy, Chính phủ dự kiến sẽ có 05 cơ quan thuộc Chính phủ sau khi tinh gọn bộ máy (giảm 03 cơ quan là Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp).

    Sẽ có 05 cơ quan thuộc Chính phủ sau khi tinh gọn bộ máy (Dự kiến)Sẽ có 05 cơ quan thuộc Chính phủ sau khi tinh gọn bộ máy (Dự kiến) (Hình từ Internet)

    Chức vụ người đứng đầu 05 cơ quan thuộc Chính phủ sau khi tinh gọn bộ máy

    Dưới đây là chức vụ người đứng đầu 05 cơ quan thuộc Chính phủ sau khi tinh gọn bộ máy:

    STTCơ quan thuộc Chính phủChức vụ người đứng đầuVăn bản về cơ cấu tổ chức
    1Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
    Chủ tịchNghị định 106/2022/NĐ-CP
    2 Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt NamChủ tịchNghị định 108/2022/NĐ-CP
    3  Đài Truyền hình Việt NamTổng Giám đốcNghị đinh 60/2022/NĐ-CP
    4 Đài Tiếng nói Việt NamTổng Giám đốcNghị định 92/2022/NĐ-CP
    5 Thông tấn xã Việt NamTổng Giám đốcNghị đinh 87/2022/NĐ-CP

    Bộ máy Nhà nước Việt Nam gồm những cơ quan nào theo Hiến pháp?

    Bộ máy Nhà nước Việt Nam theo Hiến pháp 2013 bao gồm: Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Chính quyền địa phương.

    (1) Quốc hội

    Trong bộ máy Nhà nước Việt Nam, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

    Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

    (2) Chính phủ

    Trong bộ máy Nhà nước Việt Nam, Chính phủ là cơ quan hành pháp. Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội.

    Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.

    Chính phủ gồm Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

    Cơ cấu, số lượng thành viên Chính phủ do Quốc hội quyết định. Chính phủ làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số.

    Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và những nhiệm vụ được giao; báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.

    Phó Thủ tướng Chính phủ giúp Thủ tướng Chính phủ làm nhiệm vụ theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ được phân công. Khi Thủ tướng Chính phủ vắng mặt, một Phó Thủ tướng Chính phủ được Thủ tướng Chính phủ ủy nhiệm thay mặt Thủ tướng Chính phủ lãnh đạo công tác của Chính phủ.

    Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội về ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, cùng các thành viên khác của Chính phủ chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Chính phủ.

    (3) Tòa án nhân dân

    Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Tòa án nhân dân gồm Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án khác do luật định.

    Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

    (4) Viện kiểm sát nhân dân

    Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Viện kiểm sát nhân dân gồm Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Viện kiểm sát khác do luật định.

    Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

    (5) Chính quyền địa phương

    Trong bộ máy Nhà nước Việt Nam còn có chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các cấp đơn vị hành chính bao gồm: Cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.

    Hiện nay, Việt Nam có 05 thành phố trực thuộc Trung ương gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và 58 tỉnh.

    Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định.

    - Hội đồng nhân dân

    Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.

    Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân.

    - Ủy ban nhân dân

    Ủy ban nhân dân ở cấp chính quyền địa phương do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.

    Ủy ban nhân dân tổ chức việc thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương; tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân và thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước cấp trên giao.

    saved-content
    unsaved-content
    47
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ