Bán nhà chung cư phải thông báo cho Ban quản trị chung cư?
Nội dung chính
Ban quản trị chung cư là ai?
Hiện nay, không có quy định giải thích về Ban quản trị chung cư, nhưng trên thực tế có thể hiểu rằng Ban quản trị chung cư là là đại diện cho “tiếng nói” của cư dân trong chung cư trong các vấn đề chung liên quan đến việc vận hành chung cư và sinh sống tại chung cư. Ban quản trị chung cư có tư cách pháp nhân, con dấu và thực hiện các quyền cũng như trách nhiệm được quy định tại Luật Nhà ở 2023.
*Lưu ý: Khái niệm trên chỉ mang tính chất tham khảo
Hướng dẫn thành lập Ban quản trị chung cư theo quy định mới nhất
Theo Điều 146 Luật Nhà ở 2023 quy định việc thành lập Ban quản trị chung cư như sau:
[1] Đối với nhà chung cư có một chủ sở hữu hoặc nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu nhưng có dưới 20 căn hộ: thì chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư thống nhất quyết định việc thành lập Ban quản trị nhà chung cư hoặc không thành lập Ban quản trị nhà chung cư.
Trường hợp thành lập Ban quản trị nhà chung cư được thực hiện như sau:
+ Đối với nhà chung cư có một chủ sở hữu, thành phần Ban quản trị nhà chung cư bao gồm đại diện chủ sở hữu và người sử dụng nhà chung cư;
+ Đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu, thành phần Ban quản trị nhà chung cư thực hiện như [2].
[2] Đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu và có từ 20 căn hộ trở lên: phải thành lập Ban quản trị nhà chung cư.
Thành phần Ban quản trị nhà chung cư bao gồm đại diện các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư nếu chủ sở hữu không tham dự, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở còn sở hữu diện tích trong nhà chung cư, trừ trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở không cử đại diện tham gia Ban quản trị nhà chung cư.
[3] Ban quản trị nhà chung cư có một chủ sở hữu hoạt động theo mô hình tự quản:
- Trường hợp nhà ở thuộc tài sản công thì đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc tài sản công hoặc cơ quan quản lý nhà ở thành lập Ban quản trị hoặc giao đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư này.
Lưu ý: Đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu thì Ban quản trị nhà chung cư có con dấu, tài khoản để hoạt động và thực hiện các quyền, trách nhiệm quy định tại Luật Nhà ở 2023. Việc triệu tập họp Ban quản trị nhà chung cư, điều kiện họp, cách thức biểu quyết và các nội dung khác có liên quan được thực hiện theo quy chế hoạt động của Ban quản trị nhà chung cư được Hội nghị nhà chung cư thông qua.
Bán nhà chung cư phải thông báo cho Ban quản trị chung cư? (Hình từ Internet)
Bán nhà chung cư có phải thông báo cho Ban quản trị chung cư?
Tại khoản 19 Điều 2 Luật Nhà ở 2023 giải thích chủ sở hữu nhà chung cư là chủ sở hữu căn hộ chung cư, chủ sở hữu phần diện tích khác không phải là căn hộ trong nhà chung cư.
Theo điểm b, điểm d khoản 1 Điều 10 Luật Nhà ở 2023 thì chủ sở hữu nhà chung cư có quyền sử dụng nhà ở vào mục đích để ở và mục đích khác mà pháp luật không cấm, đồng thời có quyền bán nhà ở chung cư theo quy định của Luật Nhà ở 2023, pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan
Tại Điều 430 Bộ luật Dân sự 2015 thì hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.
Ngoài ra, căn cứ Điều 147 và Điều 148 Luật Nhà ở 2023 thì Ban quản trị nhà chung cư không có quyền và trách nhiệm được biết giao dịch mua bán chung cư giữa chủ sở hữu nhà chung cư và bên thứ 3.
Như vậy, từ các quy định nêu trên thì việc mua bán nhà chung cư giữa chủ sở hữu và bên thứ 3 là sự thỏa thuận riêng giữa hai bên và không cần thông báo cho Ban quản trị chung cư.