Các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trong Quân đội nhân dân Việt Nam từ ngày 15/02/2025
Nội dung chính
Các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trong Quân đội nhân dân Việt Nam từ ngày 15/02/2025
Căn cứ Điều 7 Thông tư 122/2024/TT-BQP, quy định về các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở như sau:
- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng, người lao động về thực hiện dân chủ.
- Tổ chức hòm thư góp ý và công khai số điện thoại của cán bộ chủ trì cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để tiếp nhận thông tin của quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng, người lao động.
Thực hiện nghiêm các quy định về đối thoại dân chủ, giải quyết nội dung phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. Chủ động phát hiện và xử lý nghiêm biểu hiện trù dập, đe dọa người tham gia ý kiến, phản ánh, tố cáo.
- Tổ chức tiếp công dân theo quy định của pháp luật, kịp thời giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
- Phát huy vai trò các tổ chức quần chúng (thanh niên, công đoàn, phụ nữ) và Hội đồng quân nhân trong thực hiện giám sát, phản biện xã hội; tham gia góp ý xây dựng tổ chức đảng, xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng, người lao động, đoàn viên, hội viên.
- Biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân, tổ chức thực hiện có hiệu quả việc phát huy dân chủ; phát hiện và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, quy định của Bộ Quốc phòng về thực hiện dân chủ.
- Hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng khoa học, trang bị phương tiện kỹ thuật và bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở phù hợp với xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số trong Bộ Quốc phòng.
Các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trong Quân đội nhân dân Việt Nam từ ngày 15/02/2025 (Hình từ Internet)
Các hành vi nghiêm cấm trong thực hiện dân chủ ở cơ sở trong Quân đội nhân dân Việt Nam theo Thông tư 122/2024/TT-BQP
Các hành vi nghiêm cấm trong thực hiện dân chủ ở cơ sở trong Quân đội nhân dân Việt Nam theo quy định tai Điều 8 Thông tư 122/2024/TT-BQP bao gồm:
- Ngăn cấm, gây khó khăn cho quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng, người lao động trong thực hiện dân chủ, để xảy ra những vấn đề phức tạp ảnh hưởng đến cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
- Giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo không đúng quy định; trù dập, làm lộ, lọt thông tin về người tố cáo, người cung cấp thông tin về hành vi vi phạm có liên quan đến việc thực hiện dân chủ.
- Lợi dụng việc thực hiện dân chủ để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; vi phạm điều lệnh, điều lệ, kỷ luật của Quân đội; gây mâu thuẫn trong nội bộ và đoàn kết quân dân, gây thiệt hại cho cá nhân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và Quân đội.
- Sử dụng các thủ đoạn để làm sai lệch kết quả tham gia ý kiến, quyết định của tập thể quân nhân, tập thể người lao động, các vấn đề liên quan đến thực hiện nhiệm vụ của quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng, người lao động theo quy định tại Thông tư 122/2024/TT-BQP.
Bên cạnh đó, tại Điều 9 Thông tư 122/2024/TT-BQP quy định về Xử lý vi phạm pháp luật trong thực hiện dân chủ ở cơ sở trong Quân đội nhân dân Việt Nam như sau:
- Quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng, người lao động có hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
- Cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp vi phạm quy định về thực hiện dân chủ, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm để xử lý theo quy định của Quân đội; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Thông tư 122/2024/TT-BQPcó hiệu lực từ ngày 15/02/2025.