Chính thức có Nghị định 10 năm 2025 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực khoáng sản
Nội dung chính
Chính thức có Nghị định 10 năm 2025 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực khoáng sản
Ngày 11/01/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định 10/2025/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực khoáng sản (còn gọi là Nghị định 10 năm 2025).
Theo đó, Nghị định 10 năm 2025 đã sửa đổi, bổ sung một số Nghị định trong lĩnh vực khoáng sản như sau:
(1) Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 158/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản;
(2) Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 22/2012/NĐ-CP về đấu giá quyền khai thác khoáng sản;
(3) Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2019/NĐ-CP về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản;
(4) Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 23/2020/NĐ-CP quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông;
(5) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định 51/2021/NĐ-CP về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.
Xem chi tết Nghị định 10 năm 2025 tại đây
Tải về Nghị định 10 năm 2025 tại đây
Chính thức có Nghị định 10 năm 2025 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực khoáng sản (Hình từ Internet)
Nhà nước có những chính sách gì về địa chất và khoáng sản?
Căn cứ quy định tại Điều 3 Luật Địa chất và khoáng sản 2024, Nhà nước có những chính sách về địa chất và khoáng sản như sau:
(1) Nhà nước có chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về địa chất, khoáng sản để bảo đảm tài nguyên địa chất, khoáng sản được bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước; đẩy mạnh việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong hoạt động khoáng sản, chế biến khoáng sản.
(2) Nhà nước đầu tư và tổ chức thực hiện điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển công nghệ trong công tác điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản.
(3) Nhà nước đầu tư và tổ chức thực hiện thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng và một số khoáng sản có giá trị kinh tế cao, nhu cầu sử dụng lớn; quyết định việc không đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với một số khu vực có khoáng sản chiến lược, quan trọng; cho phép thăm dò, khai thác khoáng sản chiến lược, quan trọng theo thỏa thuận quy định trong hiệp định liên Chính phủ.
(4) Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách và có chính sách thu hút nguồn lực đầu tư cho công tác điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản, tập trung điều tra, đánh giá các khoáng sản chiến lược, quan trọng theo quy hoạch, kế hoạch.
(5) Nhà nước có chính sách dự trữ khoáng sản, xuất khẩu, nhập khẩu khoáng sản trong từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội trên nguyên tắc ưu tiên bảo đảm nguồn nguyên liệu cho sản xuất trong nước.
(6) Dữ liệu địa chất, khoáng sản phải được xây dựng đồng bộ, quản lý tập trung, thống nhất và được khai thác, sử dụng có hiệu quả.
(7) Nhà nước khuyến khích hợp tác và hỗ trợ quốc tế cho công tác quản lý nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực về địa chất, khoáng sản; chia sẻ, sử dụng dữ liệu địa chất, khoáng sản; đầu tư thăm dò khoáng sản và khai thác khoáng sản; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong quản lý, bảo vệ, thăm dò, khai thác, thu hồi khoáng sản.
(8) Nhà nước bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, tổ chức, cá nhân và người dân tại địa phương nơi có tài nguyên địa chất, khoáng sản được khai thác, sử dụng trên cơ sở điều tiết nguồn thu từ hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên địa chất, khoáng sản.
Luật Địa chất và khoáng sản 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2025.