Loading

15:07 - 17/12/2024

Đã có Luật sửa đổi 9 Luật về chứng khoán, thuế, tài chính Luật số 56/2024/QH15?

Luật sửa đổi, bổ sung tổng cộng bao nhiêu luật liên quan đến tài chính? Luật số 56/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều về nội dung gì?

Nội dung chính

    Ban hành Luật số 56/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều về những luật nào?

    Ngày 29/11/2024, Quốc hội thông qua kỳ họp thứ 8 ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật xử lý vi phạm hành chính (sau đây gọi là Luật sửa đổi, bổ sung 56 2024)

    Theo đó, Điều 11 Luật sửa đổi, bổ sung 56 2024 có các quy định chuyển tiếp được thực hiện như sau:

    Quy định chuyển tiếp
    1. Quy định chuyển tiếp các quy định sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán được thực hiện như sau:
    a) Đối với trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã chào bán trước ngày 01 tháng 01 năm 2026 và còn dư nợ thì tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 và Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 03/2022/QH15 đến khi tổ chức phát hành thanh toán đầy đủ gốc, lãi của trái phiếu;
    b) Đối với các đợt chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã gửi nội dung công bố thông tin trước đợt chào bán cho Sở giao dịch chứng khoán trước ngày 01 tháng 01 năm 2026 mà chưa hoàn thành việc phân phối trái phiếu thì tiếp tục phân phối trái phiếu theo quy định của Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 và Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 03/2022/QH15; sau khi hoàn thành việc phân phối trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thì thực hiện theo quy định của Luật này;
    c) Trường hợp hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng, hồ sơ đăng ký công ty đại chúng đã nộp đầy đủ, hợp lệ đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14;
    d) Công ty đại chúng có cổ phiếu đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trước ngày 01 tháng 01 năm 2021 vẫn đáp ứng điều kiện theo quy định của Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 62/2010/QH12 mà đến ngày 01 tháng 01 năm 2026 không đáp ứng điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 11 Điều 1 của Luật này thì bị hủy tư cách công ty đại chúng theo quy định tại khoản 15 Điều 1 của Luật này, trừ trường hợp Đại hội đồng cổ đông quyết định hủy tư cách công ty đại chúng trước ngày 01 tháng 01 năm 2026.
    2. Quy định chuyển tiếp nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được thực hiện như sau:
    a) Đối với tài sản công là đất, tài sản gắn liền với đất tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được cơ quan, người có thẩm quyền quyết định bán theo quy định trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành và đã được cơ quan, người có thẩm quyền quyết định giá khởi điểm, giá bán chỉ định thì được tiếp tục thực hiện bán theo quy định của pháp luật trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ các trường hợp chuyển tiếp theo quy định tại điểm b khoản này;
    b) Đối với nhà, đất của doanh nghiệp đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại và quyết định xử lý theo hình thức thu hồi, bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý trước ngày 01 tháng 01 năm 2025 nhưng chưa hoàn thành việc thực hiện thì tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 64/2020/QH14, Luật số 07/2022/QH15, Luật số 24/2023/QH15, Luật số 31/2024/QH15 và Luật số 43/2024/QH15.

    Như vậy, Luật sửa đổi, bổ sung 56 2024 được Quốc hội thông qua sửa 9 luật trong lĩnh vực tài chính như trên.

    Luật sửa đổi, bổ sung một số điều luật về tài chính theo Luật số 56/2024/QH15 (hình từ internet)

    Luật sửa đổi, bổ sung một số điều luật về tài chính theo Luật số 56/2024/QH15 (hình từ internet)

    Khái quát nội dung Luật sửa đổi, bổ sung 56 2024 đối với từng Luật như thế nào?

    Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung 56 2024 một số điều luật như sau:

    (1) Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán

    Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định như quy định về: Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng; hủy bỏ chào bán chứng khoán ra công chúng; chào bán chứng khoán riêng lẻ của công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; công ty đại chúng.

    Ngoài ra, đề xuất sửa đổi quy định liên quan đến: Hồ sơ đăng ký công ty đại chúng; báo cáo mua lại cổ phiếu, công bố thông tin và thực hiện việc mua lại cổ phiếu; hủy tư cách công ty đại chúng; hồ sơ hủy tư cách công ty đại chúng; quyền và nghĩa vụ của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam; thành viên của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam; bừ trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán…

    Theo đó, Luật Chứng khoán được sửa đổi theo hướng nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán.

    (2) Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán

    Bộ Tài chính bãi bỏ một số điều khoản về nội dung chứng từ kế toán; sửa đổi, bổ sung về sổ kế toán; báo cáo tài chính; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc người đại diện theo pháp luật của đơn vị; tiêu chuẩn, quyền và trách nhiệm của người làm kế toán; trách nhiệm và quyền của kế toán trưởng…

    (3) Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán độc lập

    Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán độc lập gồm: những người không được đăng ký hành nghề kiểm toán; về nghĩa vụ của kiểm toán viên hành nghề; điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán; nghĩa vụ của doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam; đơn vị được kiểm toán; nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán; đơn vị có lợi ích công chúng; chấp thuận doanh nghiệp được kiểm toán báo cáo tài chính của đơn vị có lợi ích công chúng; xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập.

    (4) Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước

    Về Luật Ngân sách nhà nước, sửa đổi, bổ sung cơ chế cho phép các địa phương sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của ngân sách cấp trên trực tiếp trên địa bàn, hỗ trợ các địa phương khác và chi viện trợ. Sửa đổi, bổ sung quy định về chi ngân sách nhà nước thực hiện một số nhiệm vụ từ cả nguồn chi đầu tư và thường xuyên như: chuẩn bị, phê duyệt dự án đầu tư công sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án; chi phí lập, thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch, tổ chức lập quy hoạch, thẩm định, công bố, rà soát, đánh giá và điều chỉnh quy hoạch; mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị; chi thuê hàng hóa, dịch vụ; sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng…

    (5) Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công

    Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản công đối với một số quy định về: Bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công; Thẩm quyền quyết định mua sắm, thuê, quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công; Cập nhật hình thức “chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý” đối với tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; Thẩm quyền phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; Tính khấu hao, hao mòn tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản kết cấu hạ tầng...

    (6) Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế

    Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung 13 Điều của Luật Quản lý thuế, bao gồm quy định về Nguyên tắc quản lý thuế; hiện đại hóa công tác quản lý thuế; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; quyền của người nộp thuế; nguyên tắc khai thuế, tính thuế; xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế; hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh.

    (7) Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân

    Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi tên Điều và bổ sung vấn đề Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trả thu nhập, tổ chức là nhà quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử, nhà quản lý nền tảng số có chức năng thanh toán, các tổ chức có hoạt động kinh tế số khác; trách nhiệm của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú; Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trả thu nhập, tổ chức là nhà quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử, nhà quản lý nền tảng số có chức năng thanh toán, các tổ chức có hoạt động kinh tế số khác; trách nhiệm của đối tượng nộp thuế là cá nhân không cư trú.

    (8) Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dự trữ quốc gia

    Đối với Luật Dự trữ quốc gia, Luật đã bổ sung cơ chế cho phép Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất hàng dự trữ quốc gia phục vụ đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định về phân cấp thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ quyết định ngân sách trung ương mua bù hàng dự trữ quốc gia.

    (9) Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính

    Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều về vi phạm hành chính về thuế, kiểm toán độc lập thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, pháp luật về kiểm toán độc lập; Bỏ cụm từ “kiểm toán độc lập;” Bổ sung cụm từ “; kiểm toán độc lập” vào sau từ “cạnh tranh” tại khoản 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

    Như vậy, 9 Luật được ban hành sửa đổi, bổ sung những nội dung như trên. 

    Luật sửa đổi, bổ sung 56 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025, trừ trường hợp quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 10 Luật sửa đổi, bổ sung 56 2024

    saved-content
    unsaved-content
    259