Đất nuôi trồng thủy sản thuộc nhóm đất nào? Hạn mức giao đất nuôi trồng thủy sản là bao nhiêu?
Nội dung chính
Đất nuôi trồng thủy sản thuộc nhóm đất nào?
Căn cứ vào khoản 1 Điều 9 Luật Đất đai 2024 quy định thì việc phân loại đất sẽ căn cứ vào mục đích sử dụng. Theo đó, đất đai được phân loại bao gồm nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp, nhóm đất chưa sử dụng.
Cụ thể, căn cứ vào khoản 2 Điều 9 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:
Phân loại đất
…
2. Nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
a) Đất trồng cây hằng năm, gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác;
b) Đất trồng cây lâu năm;
c) Đất lâm nghiệp, gồm đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất;
d) Đất nuôi trồng thủy sản;
đ) Đất chăn nuôi tập trung;
e) Đất làm muối;
g) Đất nông nghiệp khác.
Như vậy, khi căn cứ vào mục đích sử dụng thì đất nuôi trồng thủy sản thuộc nhóm đất nông nghiệp. Việc phân loại đất như vậy không chỉ mang lại lợi ích trong quản lý và sử dụng đất mà còn góp phần bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đất nuôi trồng thủy sản thuộc nhóm đất nào? Hạn mức giao đất nuôi trồng thủy sản là bao nhiêu? (Hình ảnh từ Internet)
Hạn mức giao đất nuôi trồng thủy sản là bao nhiêu?
Căn cứ vào khoản 1 và khoản 4 Điều 176 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:
Hạn mức giao đất nông nghiệp
1. Hạn mức giao đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được quy định như sau:
a) Không quá 03 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long;
b) Không quá 02 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác.
…
4. Cá nhân được giao nhiều loại đất trong các loại đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối thì tổng hạn mức giao đất không quá 05 ha; trường hợp được giao thêm đất trồng cây lâu năm thì hạn mức đất trồng cây lâu năm không quá 05 ha đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng, không quá 25 ha đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi; trường hợp được giao thêm đất rừng sản xuất là rừng trồng thì hạn mức giao đất rừng sản xuất không quá 25 ha.
Như vậy, hạn mức giao đất nuôi trồng thủy sản cho cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp như sau:
- Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long: Hạn mức được giao không quá 03 héc ta đất nuôi trồng thủy sản.
- Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác: Hạn mức được giao không quá 02 héc ta đất nuôi trồng thủy sản.
Quy định này nhằm mục đích khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân phát triển bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản, một ngành có tầm quan trọng chiến lược trong việc đảm bảo an ninh lương thực và phát triển kinh tế tại các vùng nông thôn.
Có bắt buộc sử dụng biện pháp bảo vệ môi trường nào đối với người sử dụng đất nuôi trồng thủy sản không?
Căn cứ vào Điều 61 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định như sau:
Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp
...
3. Phân bón, sản phẩm xử lý môi trường chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản đã hết hạn sử dụng phải được quản lý theo quy định của pháp luật có liên quan. Bao bì đựng phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi sau khi sử dụng, bùn đất và thức ăn lắng đọng khi làm vệ sinh trong ao nuôi thủy sản phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải. Bùn nạo vét từ kênh, mương, công trình thủy lợi phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế và quản lý theo quy định của pháp luật. Xác vật nuôi bị chết do dịch bệnh phải được thu gom, xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại và vệ sinh phòng bệnh.
4. Phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom để sản xuất ra sản phẩm hàng hóa, sử dụng làm nguyên liệu, nhiên liệu, sản xuất phân bón, sản xuất năng lượng hoặc phải được xử lý theo quy định; không đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng gây ô nhiễm môi trường.
Như vây, người sử dụng đất nuôi trồng thủy sản phải thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể như sau:
- Người sử dụng đất nuôi trồng thủy sản phải đảm bảo: Thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản đã hết hạn sử dụng phải được quản lý theo quy định của pháp luật có liên quan. Bao bì đựng thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản, bùn đất và thức ăn lắng đọng khi làm vệ sinh trong ao nuôi thủy sản phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải.
Bùn nạo vét từ kênh, mương, công trình thủy lợi phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế và quản lý theo quy định của pháp luật. Xác vật nuôi bị chết do dịch bệnh phải được thu gom, xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại và vệ sinh phòng bệnh.
- Người sử dụng đất nuôi trồng thủy sản phải đảm bảo: Phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom để sản xuất ra sản phẩm hàng hóa, sử dụng làm nguyên liệu, nhiên liệu, sản xuất phân bón, sản xuất năng lượng hoặc phải được xử lý theo quy định; không đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng gây ô nhiễm môi trường.
Có thể thấy, việc bắt buộc áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường đối với người sử dụng đất nuôi trồng thủy sản là cần thiết và hợp lý. Điều này không chỉ đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành nuôi trồng thủy sản mà còn góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng và tài nguyên thiên nhiên.
Như vậy, việc quy định các biện pháp bảo vệ môi trường trong pháp luật là cơ sở để người sử dụng đất nuôi trồng thủy sản thực hiện trách nhiệm của mình đối với môi trường và xã hội.