Loading


Khi phát hiện có phần mộ trên đất nhà mình thì có được tự ý di dời không?

Khi phát hiện có phần mộ của người khác xây trên đất đã cấp sổ đỏ của nhà mình thì có được quyền tự ý di dời mộ không? Liệu có bị xử phạt nếu tự ý di dời mộ?

Nội dung chính

    Khi phát hiện có phần mộ trên đất nhà mình thì có được tự ý di dời không?

    Theo Điều 26 Luật Đất Đai 2024 quy định về quyền của người sử dụng đất bao gồm việc được Nhà nước bảo vệ quyền lợi hợp pháp về đất đai, trong đó có quyền bảo vệ khi có hành vi xâm phạm quyền sử dụng đất của mình. 

    Trường hợp người sử dụng đất đã được cấp sổ đỏ thì đồng nghĩa với việc họ có quyền sử dụng, chiếm hữu và định đoạt đối với phần đất của mình. Việc xây mộ trên phần đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của người khác mà không có sự đồng ý của người đó là hành vi vi phạm pháp luật.

    Cũng theo Điều 11 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về các phương thức bảo vệ quyền dân sự, trong đó có cách là buộc người có hành vi vi phạm phải chấm dứt hành vi xâm phạm đó, người bị xâm phạm không được tự mình thực hiện các hành vi nhằm chấm dứt hành vi vi phạm của bên xâm phạm. Hiểu đơn giản ở đây là người sử dụng đất có quyền yêu cầu việc di dời phần mộ trên phần đất của mình, chứ người sử dụng đất không được phép tự ý di dời. Ngoài ra, việc tự ý di dời phần mộ này có thể khiến người thực hiện bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đào phá mồ mả (Điều 319 Bộ luật Hình sự 2015).

    Lúc này, phương án thỏa thuận nên được thực hiện, tuy nhiên nếu các bên không thể tự thỏa thuận được, người sử dụng đất có quyền gửi đơn yêu cầu hòa giải đến Ủy ban nhân dân cấp xã để giải quyết bất đồng liên quan đến việc di dời mộ. Nếu quá trình hòa giải tại cấp xã không đạt được kết quả, người sử dụng đất có thể tiếp tục yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai lên đến cơ quan có thẩm quyền để xác định quyền sử dụng đất và các nghĩa vụ liên quan.

    Khi phát hiện có phần mộ trên đất nhà mình thì có được tự ý di dời không?

    Di dời phần mộ trên đất ( Hình từ Internet) 

    Thủ tục hòa giải yêu cầu di dời phần mộ trên đất

    Căn cứ khoản 1 Điều 235 Luật Đất đai 2024, nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải với nhau, các bên có liên quan trong việc di dời mồ mả có thể cùng nhau thỏa thuận để giải quyết.

    Nếu hòa giải không thành công, các bên phải tiếp tục thực hiện hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp trước khi yêu câu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định tại Điều 236 Luật này.

    Việc hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 235 Luật Đất đai 2024 như sau:

    Bước 1: Nộp và tiếp nhận đơn yêu cầu hòa giải

    Nộp đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp tại Ủy ban nhân dân xã nơi có đất tranh chấp.

    Sau khi nhận được đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai từ các bên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để tiến hành hòa giải.

    Bước 2: Thành lập hội đồng hòa giải: Hội đồng hòa giải bao gồm các thành viên:

    + Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã (Chủ tịch Hội đồng).

    + Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã.

    + Công chức làm công tác địa chính, người sinh sống lâu năm biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất (nếu có).

    Nếu cần thiết, Hội đồng hòa giải có thể mời thêm đại diện tổ chức, cá nhân khác tham gia.

    Bước 3: Tiến hành hòa giải

    Hội đồng hòa giải sẽ tiến hành hòa giải tranh chấp giữa các bên trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu.

    Bước 4: Lập biên bản hòa giải: Sau khi hoàn tất hòa giải, phải lập biên bản hòa giải trong đó ghi rõ:

    + Kết quả là hòa giải thành hoặc hòa giải không thành.

    + Chữ ký của các bên tham gia hòa giải.

    + Xác nhận của Ủy ban nhân dân xã về kết quả hòa giải.

    Nếu hòa giải không thành và một hoặc các bên không ký vào biên bản hòa giải, Chủ tịch Hội đồng hòa giải cùng các thành viên khác phải ký vào biên bản và đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã.

    Biên bản hòa giải sẽ được gửi cho các bên tranh chấp và lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.

    Thủ tục giải quyết tranh chấp khi hòa giải không thành

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 236 Luật Đất đai 2024, khi hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp không thành, thẩm quyền giải quyết tranh chấp sẽ thuộc về Tòa án (do đây là tranh chấp mà bên tranh chấp đã có Giấy chứng nhận).

    Để khởi kiện yêu cầu di dời phần mộ trên đất, người khởi kiện cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ sau:

    + Đơn khởi kiện. 

    + Sổ đỏ đã cấp. 

    + Biên bản hòa giải không thành có xác nhận của UBND xã.

    + Chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc thẻ Căn cước hoặc Hộ chiếu còn hạn sử dụng của người khởi kiện.

    + Các tài liệu, chứng cứ liên quan đến tranh chấp, ví dụ như ảnh chụp hiện trạng đất, các văn bản, tài liệu chứng minh mộ đã được xây dựng trên đất của mình mà không có sự đồng ý… và các giấy tờ, tài liệu khác nếu thấy cần thiết, phục vụ cho quá trình giải quyết vụ án.

    Bước 1: Nộp đơn khởi kiện

    Tại khoản 1 Điều 190 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, người khởi kiện có thể lựa chọn một trong ba hình thức sau để nộp đơn khởi kiện:

    + Nộp trực tiếp tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất đang tranh chấp.

    + Gửi qua bưu điện đến Tòa án.

    + Nếu Tòa án có hệ thống dịch vụ điện tử, người khởi kiện có thể gửi đơn qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án.

    Bước 2: Tòa án thụ lý và giải quyết. 

    Trình tự thụ lý vụ án được quy định tai điều 195 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Sau khi nhận đơn, Tòa án sẽ thực hiện:

    + Kiểm tra hồ sơ: Nếu hồ sơ đầy đủ và đúng thẩm quyền của Tòa án, Tòa sẽ thông báo yêu cầu nộp tạm ứng án phí.

    + Tạm ứng án phí: Người khởi kiện phải nộp tạm ứng án phí tại cơ quan thi hành án có thẩm quyền theo giấy báo tạm ứng án phí và mang biên lai tạm ứng án phí nộp lại cho Tòa án.

    + Thụ lý vụ án: Sau khi nhận biên lai tạm ứng án phí, Tòa án sẽ thụ lý vụ án và thông báo cho các bên tranh chấp về việc thụ lý.

    Bước 3: Thủ tục chuẩn bị xét xử và xét xử

    Căn cứ điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Tòa án sẽ tiến hành chuẩn bị xét xử trong thời gian 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án.Trong giai đoạn này, Tòa án sẽ tổ chức phiên hòa giải tại Tòa để các bên tranh chấp tìm cách giải quyết mâu thuẫn.

    Nếu các bên hòa giải thành công, Tòa án sẽ lập biên bản hòa giải thành và công nhận sự thỏa thuận giữa các bên.

    Nếu hòa giải không thành, vụ án sẽ được đưa ra xét xử sơ thẩm. Các bên tranh chấp sẽ trình bày ý kiến, chứng cứ và yêu cầu của mình trước Tòa án. Tòa án sẽ căn cứ vào các quy định pháp luật và chứng cứ để ra phán quyết về việc di dời mộ.

    Bước 4: Ra phán quyết của Tòa án

    Sau khi xét xử, Tòa án sẽ ra phán quyết về yêu cầu di dời mộ trên đất. Nếu Tòa án chấp nhận yêu cầu của bên khởi kiện, Tòa sẽ yêu cầu bên còn lại phải di dời mộ ra khỏi đất tranh chấp. Phán quyết của Tòa án có thể bao gồm các yêu cầu liên quan đến thời gian, chi phí di dời và trách nhiệm của các bên.

    Bước 5: Thực hiện phán quyết

    Nếu một trong các bên không thực hiện phán quyết của Tòa án, bên yêu cầu có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án cưỡng chế thực hiện theo quy định của pháp luật.

    Bước 7: Kháng cáo (nếu có)

    Tại điều 271 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, trong trường hợp một trong các bên không đồng ý với phán quyết của Tòa án sơ thẩm, họ có quyền kháng cáo để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại bản án hoặc quyết định

    Về thời hạn kháng cáo được quy định tại Điều 271 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:

    + Nếu đương sự có mặt tại phiên tòa, thời hạn kháng cáo là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. 

    + Trường hợp đương sự vắng mặt tại phiên tòa, thời hạn kháng cáo được tính trong vòng 15 ngày kể từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết theo quy định. 

    Mức xử phạt nếu tự ý di dời phần mộ của người khác trên đất của mình

    Như đã phân tích ở trên, người sử dụng đất không được tự ý di dời phần mộ trên đất của mình mà không đạt được sự đồng thuận từ người quản lý mộ hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

    Việc tự ý di dời phần mộ này tuy không bị xử phạt hành chính nhưng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi đào, phá mồ mả theo Điều 319 Bộ luật Hình sự 2015, cụ thể người nào có hành vi đào, phá mồ mả, chiếm đoạt đồ vật trong mộ, hoặc xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

    Trong trường hợp khác mức phạt có thể từ 2 năm đến 7 năm tù. Các trường hợp bao gồm: gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; chiếm đoạt hoặc hủy hoại vật có giá trị lịch sử, văn hóa; thực hiện hành vi vì động cơ đê hèn; hoặc chiếm đoạt bộ phận thi thể, hài cốt.

    Ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi tự ý di dời phần mộ trên đất của mình còn phải bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 607 Bộ Luật Dân sự 2015 bao gồm: Chi phí để khắc phục thiệt hại do hành vi xâm phạm mồ mả gây ra và khoản tiền đền bù tổn thất tinh thần cho những người thân thích của người đã khuất theo thứ tự hàng thừa kế. Nếu không có người thừa kế, người trực tiếp nuôi dưỡng người chết sẽ được nhận khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất tinh thần được các bên thỏa thuận; nếu không thể thỏa thuận, mức tối đa bồi thường không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

    saved-content
    unsaved-content
    86